Dù ta làm gì và ở vị trí nào, ta cũng đều phải tương tác với người khác. Tương tác có thể là nội bộ trong công ty. Tương tác có thể là với đối tác cung cấp, với khách hàng, với cộng đồng, vv. Nếu ngành nào và nghề nào cũng đều phải tương tác với con người, dĩ nhiên công ty nào cũng đều yêu cầu đội ngũ của mình, nhất là các cấp quản lý, phải là những “people person – người có kỹ năng tương tác với người khác”.
Ngày xưa tôi đã từng thấy một ví dụ cụ thể nhất về sức mạnh vĩ đại của “people person”. Tại thị trường Malaysia, lúc đó tôi còn là giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của một tập đoàn của Úc, có một anh CEO hết sức là “people person”. Anh được mọi người trong công ty, từ quản lý đến nhân viên cấp thấp nhất nể phục, đồng lòng, cùng làm việc sống chết với anh để đạt được mục tiêu chung. Đối tác thì vui vẻ, hợp tác, và gặp khó khăn gì cũng bàn bạc giải quyết với anh giải quyết vấn đề. Đối với tôi lúc đó, đây là thị trường nằm đầu bảng trong khu vực vì tốc độ phát triển vượt bậc và là một trong những thị trường có giá trị lớn nhất.
Được 3 năm, do đấu đá nội bộ vì là công ty nhà nước, anh bị thuyên chuyển sang công ty con khác, và người CEO mới về là một CFO của tập đoàn. Trong vòng có 3 tháng, tôi không còn nhận ra thị trường xịn nhất của mình. Nhân viên cũ nghỉ sạch sẽ. Đối tác nhiều người huỷ hợp đồng không hợp tác tiếp. Nhiều chi nhánh đóng cửa. Việc vận hành của cả chuỗi lâm vào vô số vấn đề. Tất cả chỉ vì anh CEO mới này không có “people skill”. Ngay cả người dễ chịu như tôi mà cũng cảm thấy khó chịu khi làm việc với anh, vì hình như anh chỉ biết đọc số chứ không biết đọc người….
Kể chuyện này để các bạn thấy rằng chúng ta rất cần trở thành những “people person”, vì không những nó sẽ giúp chúng ta làm việc, quản trị hiệu quả, mà còn ảnh hưởng cực lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy muốn trở thành “people person” ta cần gì?
Đơn giản lắm, bỏ chữ “mình” ra khỏi những gì bạn đang làm:
- Nghĩa là bạn thôi đừng lo lắng người khác nghĩ gì về “mình”, mà hãy chú ý đến những gì “họ” nghĩ. Bạn sẽ trở nên thông cảm hơn. - Nghĩa là bạn đừng chăm chăm lo “mình” nghĩ gì, mà hãy chú ý xem “họ” đang nói gì. Được vậy là bạn biết lắng nghe. - Nghĩa là bạn đừng quan trọng chuyện “mình” muốn gì, mà hãy bắt đầu từ “họ” muốn gì. Được vậy bạn sẽ trở nên rất hỗ trợ. - Nghĩa là khi “họ” bị tổn thương, bạn sẽ không tìm hiểu chuyện này không phải do “mình” mà đổ thừa do ai đó gây ra, mà bắt đầu bằng việc nghĩ cách giúp chữa lành vết thương cho “họ”. Được vậy bạn sẻ trở thành người biết yêu thương. - Nghĩa là ngay cả khi bạn là người hướng nội, bạn vẫn cố gắng vượt ra khỏi vùng an toàn của “mình” để giúp “họ”. Điều này sẽ làm bạn trở nên dũng cảm hơn.
Nếu bạn bắt đầu từ việc nhỏ nhất là “care – quan tâm” người khác, bạn đơn giản sẽ trở thành “people person” thôi. Cũng dễ quá phải không?
Hình: Một mình với quá khứ - chụp trong lúc lang thang ngắm cuộc sống ở Macao.
Comments