top of page

QUA MẶT VIỆT NAM?


Những con đường xơ xác. Rác rưởi lềnh bềnh cống rãnh và trên những lối đi. Quán hàng liêu xiêu. Người bán rong nối dài giăng giăng bên những vệ đường dơ bẩn. Cái nghèo nó quấn vào từng xiêm áo. Nhưng người ta vẫn lơ ngơ cười cười như không có chuyện gì. Đây có phải là nơi hạnh phúc nhất hành tinh? Tôi phân vân chẳng biết nên chẻ cảm xúc của mình ra thành mấy mảnh. Miến điện là như thế đó. Lại cũng là lòng tham của một nhóm người nó đâm vào cuộc sống của người dân.


Aung San Suu Kyi

Nếu nói rằng Miến điện thua xa Việt nam thì chắc chắn là như vậy. Theo góc nhìn của riêng tôi, cơ sở vật chất hiện tại của đất nước này chắc phải thua Việt nam gần 15 năm. Xơ xác quá. Lạc hậu quá. Bởi vậy mà mấy người bạn Miến điện của tôi rất khoái Việt nam, nói Việt nam hiện đại và tân tiến hơn họ quá nhiều. Nhưng cái nghèo, cái tụt hậu của đất nước này cũng là do nhóm quân đội chính phủ ngày xưa vì tham lam, ích kỷ mà nó hành người dân ra cái cảnh như thế. Rồi Miến điện chỉ vừa thoát ra được chưa tới 3 năm. Ngày 2/5/2012, vận mệnh quốc gia này thay đổi khi nữ lãnh đạo đạt giải Nobel hoà bình Aung San Suu Kyi đắc cử vào hạ viện với vai trò lãnh đạo đảng đối lập.


Được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, Suu Kyi đã trải đời mình ra vì Miến điện. Tốt nghiệp Oxford rồi trải qua cuộc sống gia đình tại Anh, Mỹ, Ấn độ trước khi quay về Miến điện năm 1988, bước ngoặc cuộc đời đã đưa bà đến hoạt động phản đối phe chính quyền quân sự và bị quản thúc tại gia 15 năm đến tháng 11/2010 mới được thả ra. Trong thời gian bị quản thúc, bà vẫn tiếp tục đấu tranh vì nhân quyền và đó là lý do khiến cho thế giới trao cho bà giải thưởng cao quý Nobel vì hoà bình. Bà cũng nhận được vô số giải thưởng khác như giải tưởng niệm Thorolf Rafto, giải Sakharov cho Tự do Tư tưởng năm 1990, giải Jawaharlal Nehru cho sự Thông cảm quốc tế của chính phủ Ấn Độ cùng giải thưởng Simón Bolívar của chính phủ Venezuela vào năm 1992. Năm 2007, chính phủ Canada công nhận Suu Kyi là công dân danh dự của Canada. Bà là người thứ tư có được vinh dự này. Ngày 19 tháng 12 năm 2012, bà được trao tặng Huân chương Vàng Quốc hội (Congressional Gold Medal), một trong hai giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ.



Ảnh: chùa Shwedagon hay còn gọi là chùa Vàng (Golden Temple), ngôi chùa vàng lớn nhất trên thế giới.


Chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI)

Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới, lấy con người làm trung tâm của mọi sự phát triển của một quốc gia. Năm 2013, Miến điện xếp hạng 150/187, được liệu vào nhóm các nước có chỉ số phát triển con người thấp nhất trên thế giới (Việt nam thuộc nhóm trung bình, xếp hạng 121/187. Có 4 nhóm tất cả, trong đó còn có nhóm chỉ số cao và nhóm có chỉ số cực kỳ cao. Xếp đầu bảng là Na-uy và Úc.


Wow! Một đời người chiến đấu vì dân tộc. Bỏ qua tất cả thành bại hay cái “vô lý” của việc bà không thể tranh cử chức vị Tổng thống vì có chồng là người nước ngoài, một cuộc đời bị giam cầm và trải ra mà sống vì người dân đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ. Nếu muốn tìm hiểu thêm về người phụ nữ quyền lực này, bạn có thể tìm xem phim The Lady (Người đàn bà) do Dương Tử Quỳnh đóng vai Suu Kyi, phát hành 2011, hay quyển sách Aung San Suu Kyi - Letters From Burma (Aung San Suu Kyi – Những lá thư từ Miến điện), xuất bản 2010.



Ảnh: Bìa sách Aung San Suu Kyi - Letters From Burma (Aung San Suu Kyi – Những lá thư từ Miến điện)


3 năm tự do – họ ở đâu?

Nếu lấy Miến điện ra để so với Việt nam thì có lẽ là một cách so sánh có gì hơi khập khiễng, vì nước người ta vừa chấm dứt nội chiến chưa được 3 năm. Nhưng để cho bạn dễ hình dung họ đã đến đâu rồi, tôi cũng sẽ đưa ra một vài so sánh vậy.


Người làm kinh tế như tôi chia các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) ra làm 2 nhóm. Nhóm thị trường loại ưu tiên 1, nhóm A, cần bước vào khi nói đến AEC bao gồm Mã lai, Thái lan, Phillipines và Indonesia. Đây là những thị trường có sức tiêu dùng lớn. Nhóm thứ 2, nhóm B, là nhóm các thị trường còn đang phát triển, mức tiêu dùng còn hạn chế do thu nhập tầng lớp trung lưu còn thấp, và thị trường bán lẻ nói chung còn rất manh nha. Đây là các thị trường Lào, Campuchia, Việt nam, và Miến điện. Ví dụ cho dễ hiểu nhé. Tại Thái lan, 5 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu quốc gia có thu nhập chiếm tỷ lệ 27.1% tổng doanh thu ngành bán lẻ năm 2014. Tại Việt nam, con số này chỉ có 4.6%. Doanh nghiệp Việt nam mình còn khá li ti. Vậy Singapore và Brunei thì tính vào đâu? Xin thưa là 2 quốc gia này có thu nhập người dân quá trời cao rồi, nhưng thị trường thì lại super nhỏ, cho nên không cần thiết phải liệt vào danh sách. Vậy nói về chia bảng mà đá banh kinh tế, Việt nam và Miến điện nằm cùng 1 bảng B. Có điều, hiện nay Việt nam mình chắc chắn là có nhiều lợi thế.



Ảnh: thành phố Yangon – thành phố lớn nhất của Miến điện


Box: Chi tiêu hộ gia đình các nước AEC, 2012 và dự đoán 2030



Bây giờ lấy chỉ số trong Báo cáo mức độ cạnh tranh toàn cầu năm 2014/2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEC) ra để so sánh cho nó khách quan nhé. Trong 144 nền kinh tế thế giới được mang ra so sánh, Việt nam mình và Miến điện đứng ở nơi mô?


Chỉ số Xếp hạng trên 144 quốc gia

Việt nam Miến điện

Độ lớn thị trường 36 65

GDP (Tính theo sức mua tương đương, không tính bằng tiền mặt thực tế) 38 65

Tính minh bạch của chính phủ trong vấn đề đưa ra chính sách 116 136

Nợ vay của chính phủ 93 71

Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP 16 133

Chất lượng cơ sở vật chất 112 138

Chất lượng giáo dục 94 129

Khả năng thu hút nhân tài 74 113

Khả năng giữ chân nhân tài 84 144

Mức độ dễ dàng về tiếp cận nguồn vốn 88 144

Mức độ tiếp cận công nghệ mới nhất 123 144

Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp 109 133

Chất lượng nhà cung cấp 92 139

Khả năng sáng tạo và phát triển 95 137

Triển khai đúng chuẩn kiểm toán và báo cáo tài chính 132 140


Một thời huy hoàng?

Miến điện đã từng là thuộc địa của Anh (1824-1948). Người ta nói rằng trong suốt thời gian đó, Miến điện là quốc gia hung thịnh đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ chỉ sau có Phillipines. Họ đã từng xuất khẩu 75% tổng sản lượng gỗ teak trên thế giới, là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, xuất khẩu dầu thô từ những năm 1853, và là một trong những nước đầu tiên sản xuất xăng trên toàn thế giới. Vận mệnh một quốc gia có thể chao đảo là như thế!


Nếu nói về tiềm năng thị trường, Việt nam và Miến điện đều là 2 thị trường có tiềm năng khá lớn. Họ chỉ có 53.7 triệu dân, nhỏ hơn Việt nam mình (92.4 triệu dân). Họ xếp cuối bảng trên toàn thế giới về một số điều kiện dễ dàng để phát triển kinh tế và phát triển kinh doanh như mức độ dễ dàng để tiếp cận nguồn vốn và tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới. Theo một báo cáo của McKinsey năm 2013, nền kinh tế Miến điện có thể tăng lên gấp 4 lần vào năm 2030 nếu họ chịu đầu tư váo các ngành công nghệ cao từ đây đến đó. Do nội chiến, họ cũng bị lâm vào tình trạng chảy máu chất xám. Người giỏi và trí thức họ bỏ chạy mà cứu lấy tấm thân. Nhưng mới chấm dứt nội chiến chưa tới 3 năm, mấy chỉ tiêu như thế kể ra cũng là đương nhiên không tránh khỏi. Có một điều nếu mình để ý thì sẽ thấy, Việt nam mình về nhiều vấn đề cũng còn lạc hậu cỡ Miến điện mà thôi. Nếu nói về cái sự chuyên nghiệp và đạo đức kinh doanh, bạn xem chỉ số triển khai kiểm toán và báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp mình nằm ở đâu? 132/144 đâu có hơn gì Miến điện (140). Còn nói làm đúng theo đạo đức kinh doanh thì 109/144 trong khi Miến điện là 133/144, đều thuộc hàng nằm ở dưới cùng. Cho nên tương lai thì không ai biết được. Nếu Miến điện họ để cho tình hình chính trị ổn định và phát triển đều đều với tốc độ phát triển GDP 8.5% (2014) như hiện nay thì họ cũng sẽ thu ngắn dần khoảng cách. Còn nếu Việt nam mình chịu khó cải cách và tiếp tục mở cửa bước ra thế giới, thì Miến điện là một thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt nam. Có điều, Việt nam mình phải thay đổi cái nếp suy nghĩ ngắn hạn và cách làm chạy mánh để mà chuyên nghiệp hoá.


Chỉ số mức độ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khu vực kinh tế Đông Nam Á

Tính ra thì Việt nam mình chỉ hơn có mỗi Miến điện mà thôi



Trích chương 18 - Qua mặt Việt Nam? - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân


682 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page