top of page

RAT RACE – ĐUA CHUỘT




Một lần trước giờ lên máy bay, skype với ông bạn già quen đã mười mấy năm. Năm mấy tuổi, là CEO toàn cầu của một tập đoàn lớn ở Úc, anh là một người tài đức vẹn toàn mà tôi vẫn hằng quý trọng. Các đây 2 năm, vì muốn có một thử thách mới, anh về nhậm chức CEO của tập đoàn đang có tham vọng bành trướng nhanh trên thị trường toàn cầu. Hôm qua hỏi sao rồi, có gì mới không, anh trả lời đã quyết định xin nghỉ việc. Anh nói tiềm năng tập đoàn rất tốt, còn có thể đi xa, nhưng giờ anh đã hiểu tại sao, mấy trăm đời CEO chẳng ai trụ nổi. Tập đoàn này có cái văn hoá tệ lắm, không ai tin ai, không ai khen ai, cũng chẳng ai mở lòng đối xử tốt với ai. Tất cả chỉ vì ông chủ tập đoàn là người thích văn hoá đấu tố, cạnh tranh khốc liệt, thích quản trị bằng nỗi sợ hãi. “Phải rời khỏi nơi đó thôi Phi ạ. Nếu không văn hoá tồi tệ đó nó sẽ ngấm vào da và làm thay đổi chính con người và giá trị của mình.”


Các đây 10 năm, tôi đã chứng kiến chuyện văn hoá công ty thay đổi một con người. Hồi đó tôi có cô bạn thân người nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Tôi gọi cô là thiên thần vì cô quá “nice”, có khi “nice” đến nỗi tôi không chịu nổi. Sau một thời gian cô đổi việc, về làm giám đốc marketing của một tập đoàn quốc tế lớn ở Việt Nam. Sau gần 2 năm, tôi gọi cô ra cà phê trong một buổi chiều hè Sài gòn trời mưa không thấy lối về. Tôi nói “M. à, vì là bạn nên tôi nói thật điều này nhé. Bạn thay đổi rồi. Thiên thần của năm xưa sao không còn nữa. Tôi thấy bạn bây giờ hơi hung hăng, bossy (ra lệnh), hay nhíu mắt cau mày, và phát biểu nhiều câu nghe như nuốt cơm khô.” Cô nhìn tôi hoảng hốt. Mấy tháng sau cô nghỉ việc. “Sức mạnh văn hoá công ty thật là ghê gớm. Chính văn hoá đấu đá, hung hăng nơi đó đã biến tôi thành một kẻ chẳng là mình.”


Nhân nói chuyện này, kể lại câu chuyện tôi khuyên đứa em khoảng 5 năm trước. Cậu đi học Master ở Úc về, sức trẻ đầy tài năng, nên đi làm chẳng bao lâu cậu đã lên chức lãnh đạo marketing vùng, nắm 3 thị trường Đông Nam Á. Ngày xưa chị em tôi đi học vẽ chung mỗi sáng thứ 7, tôi thấy cậu chẳng vẽ vời gì, điện thoại reo liên tục và những cuộc trao đổi nghe chừng căng thẳng lắm. Cậu cứ vội vội vàng vàng như thế, lướt đi trong cuộc đời mà chẳng nhìn thấy một ai. Sau này tôi mới nghe cậu phân trần là văn hoá công ty khốc liệt, và thế là cậu phải đấu đá hàng ngày chỉ để tồn tại trong cái ao tù đó. Một hôm trên đường ra sân bay, tôi ghé văn phòng cậu lấy đồ, thấy cậu đứng dưới sảnh chờ, mắt đăm chiêu và nét buồn đổ dài vào vô tận. Tôi hỏi “Em à, em có biết mấy con chuột khi bị bỏ vào mê cung nó đua nhau chạy làm sao không? Nó tưởng mình ghê gớm lắm, chạy nhanh lắm, lợi hại lắm, và chiến thắng thật lẫy lừng vì nó đã qua mặt cả đám “bại trận” phía sau. Nó hả hê nhưng sao cứ loay hoay trong cái mê cung, còn đám ngồi xem đua chuột và cá độ ở phía trên thì vỗ đùi đen đét và cười sằn sặc. Em tham gia đua chuột từ bao giờ thế?”


3 câu chuyện đời thường để nói văn hoá công ty là thứ có sức mạnh vô cùng ghê gớm. Nó có thể biến cuộc đời này, và những con người trong đó thành những vũng lầy. Họ có thể làm ra rất nhiều tiền, nhưng thứ mà họ thải ra cho xã hội là những con chuột cả đời chỉ biết xếp hàng chờ đến cuộc đua. Nhưng may mà thế giới hãy còn nhiều văn hoá doanh nghiệp thật đáng vinh danh, vì sự tử tế, vì tình thương yêu, vì sự sáng tạo, sự xuất sắc, vì cộng đồng và xã hội…. Vậy mới có bảng vinh danh những doanh nghiệp đáng ngưỡng mộ nhất trên thế giới vì văn hoá phát triển con người và cộng đồng của họ. Trong top 10 doanh nghiệp đáng ngưỡng mộ năm 2019 có Apple, Amazon, Berkshire Hathaway, Walt Disney, Starbucks, Microsoft, Alphabet, Netflix, JPMorgan Chase, FedEx và uy tín họ tạo ra trong ngành để được xếp vào list bao gồm:

1. Ability to attract and retain talented people - Khả năng thu hút & giữ chân nhân tài 2. Quality of management - Chất lượng quản trị 3. Social responsibility to the community and the environment - Trách nhiệm xã hội, cộng đồng & môi trường 4. Innovativeness - Đầu tư đổi mới sáng tạo 5. Quality of products or services - Chất lượng sản phẩm dịch vụ 6. Wise use of corporate assets - Biết cách sử dụng tài sản công ty 7. Financial soundness - Quản trị tốt tài chính 8. Long-term investment value - Giá trị đầu tư dài hạn 9. Effectiveness in doing business globally - Phát triển quốc tế hiệu quả


Trước giờ chúng ta bàn ầm ầm về giá trị doanh nghiệp mà họ tạo dựng ra, những con số khổng lồ khiến cho người bình tâm nhất trước vật chất, tiền bạc cũng phải nao lòng. Nhưng ta có bao giờ nói về lý do tại sao họ làm được những điều phi thường như thế? Hãy nhìn vào văn hoá doanh nghiệp luôn cam kết minh bạch, chuẩn hóa, thu hút và phát triển con người của họ đi. Hay ta bận tổ chức đua chuột? Hay chính ta đang đua chuột?

80 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page