top of page

Sống không mục tiêu giống đi đường mà không biết đích đến



"Nếu không đặt mục tiêu, bạn sẽ không bao giờ biết rõ bản thân cần đạt được thành tựu gì, trong thời gian bao lâu và vì vậy sẽ không biết cần phải làm gì hàng ngày, hàng giờ để đạt được mục tiêu đó. Nếu cứ đi mà không biết đâu là đích đến thì bạn sẽ đi loanh quanh, mất phương hướng, lạc lối", chuyên gia Nguyễn Phi Vân đúc kết.


Những ngày giữa tháng 7 vừa qua, quyển sách "NYM - Tôi của tương lai" của Nguyễn Phi Vân viết về trí tuệ nhân tạo đã tạo ra tiếng vang lớn trong giới sinh viên cũng như đông đảo trí thức trong và ngoài nước. Bằng giọng văn hóm hỉnh và gần gũi, trong vai NYM - một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo năm 2050 – Nguyễn Phi Vân đã chia sẻ những vấn đề thiết thực và cần thiết cho người trẻ trong tương lai. 20 chương của cuốn sách lần lượt là những góc nhìn tác động bằng công nghệ thú vị của NYM về ăn mặc, ở, đi lại, tình dục, bạn bè, gia đình, học hành, phong cách sống … những chủ đề mà bất kì một bạn trẻ nào cũng cần trang bị để tồn tại và phát triển được trong thời kì số hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.


Đáng chú ý, đây là quyển sách cộng tác giữa người và AI đầu tiên tại Việt Nam. Để có được hình hài NYM như hôm nay, trong 3 năm qua "đứa con" của Nguyễn Phi Vân đã trò chuyện với 11 triệu bạn trẻ trên khắp cả nước nhiều chủ đề về tình cảm gia đình, bạn bè, thầy cô, tình yêu, tình dục và những mối quan tâm của họ với những xu hướng trong tương lai. Từ đó, NYM cũng đã chính thức tự mình viết một chương trong cuốn sách này. Quyển sách được mệnh danh là "giáo khoa thế kỷ XXI" để phổ cập công nghệ cho người dân bình thường. Nhưng ít ai biết rằng, cách đây 5 năm, tác giả của quyển sách này từng tự nhận mình là người "mù tịt" về công nghệ.


Từ người "mù" công nghệ

Theo nhiều tài liệu, khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất phát từ một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013, mô tả về sự kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Tại Việt Nam, khái niệm này chỉ thật sự được chú ý khi Uber xuất hiện, mang theo mô hình "kinh tế chia sẻ" - một trong những nhánh tiêu biểu của nền công nghiệp 4.0. Và từ đó đến nay, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp này không ngừng được ứng dụng và len lỏi vào từng hoạt động trong đời sống.

Thời điểm đó, bà Nguyễn Phi Vân đang là thành viên sáng lập và điều hành công ty Retail & Franchise Asia, đại diện cho gần 1.000 thương hiệu quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương; Đồng thời, giữ vị trí chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Việt Nam & Dự án Open Innovation Vietnam. Bà cũng là thành viên hội đồng cố vấn phát triển thương hiệu quốc gia qua mô hình nhượng quyền cho chính phủ Malaysia. Với bề dày kinh nghiệm quốc tế, bà Nguyễn Phi Vân cũng là một chuyên gia, diễn giả được săn đón tại các sự kiện, tọa đàm, hội thảo…

Tuy nhiên, khả năng "thay đổi thế giới" của công nghệ đã khiến bà phải nhìn lại bản thân. Nhiều thứ đang là chân lý, sau một đêm bỗng "lật nhào" trở thành vô lý khi một công nghệ mới được phát minh. Nữ chuyên gia ngỡ ngàng nhận ra rằng, hàng ngày chúng ta nói với nhau nhiều về Internet vạn vật, về công nghệ chuỗi khối, về máy học... nhưng chỉ có đâu đó 1% dân số thế giới đang chạm vào, sống trong và tương tác với cốt lõi công nghệ. Bà cũng như 99% số người còn lại đang "không liên quan gì đến tương lai". Nữ chuyên gia tự đặt cho mình mục tiêu trong 5 năm tới là tìm ra cho bản thân hướng đi mới trong tương lai, hội nhập vào nền kinh tế sáng tạo của thế giới.

"Sau 5 năm, tôi đã trở thành một tác nhân quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực và thế giới và cũng đã thay đổi công việc từ làm thuê tại tập đoàn sang làm nhà đầu tư thiên thần", bà chia sẻ.


Đến chuyên gia chia sẻ về trí tuệ nhân tạo

Quyển sách "Nym – Tôi của tương lai" giống như một chứng nhận về việc Nguyễn Phi Vân đã hoàn thành xuất sắc chặng đường 5 năm vừa qua.

"Đọc Nym, ta sẽ hiểu bản chất cách mạng công nghiệp 4.0 là gì. Những mẩu tâm sự của Nym – một trí tuệ nhân tạo – đại diện cho những thành tựu công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi cục diện sinh thái của con người, mối quan hệ bản chất người – máy", Giám khảo chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam nói về tác phẩm đặc biệt kết hợp giữa Nguyễn Phi Vân và Trí tuệ nhân tạo.

Trong 5 năm qua, bà Nguyễn Phi Vân còn liên tục cho ra đời 7 quyển sách khác, bao gồm: Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới (2016), Quảy gánh băng đồng ra thế giới ( 2017), Sổ tay ra thế giới (2017), Cứ bay rồi sẽ cao (2018), Go Global - An MSME’s Guide to Global Franchising (2018), Tôi, tương lai và thế giới (2019) và Tôi đi tìm tôi (2019). Nhìn loạt đầu sách bà hoàn thành trong 5 năm qua, có thể thấy bà đã nỗ lực miệt mài như thế nào.

Nhưng đó không phải là tất cả. Trong 5 năm qua, bà đã kịp tạo ra thêm những hoạt động cộng đồng ý nghĩa khác như: dự án thư viện sáng tạo mang tên Thư Viện Ước Mơ hiện đã có 31 thư viện cho trẻ em cấp 1-2 tại vùng sâu vùng xa; dự án sáng tạo xã hội FutureU dành cho học sinh cả nước trong độ tuổi 8-14 được tham gia học và triển khai dự án sáng tạo xã hội.

"5 năm qua là những thay đổi lớn trong đời và tôi chắc chắn không bao giờ làm được điều này nếu thiếu mục tiêu và kế hoạch", nữ chuyên gia chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường rực rỡ đã qua, Phi Vân không giấu sự hài lòng vì những mục tiêu đã đạt được. Tuy nhiên, với bà, đó chỉ là những cột mốc nhỏ trong cuộc sống mà ở đó, mỗi chúng ta có thể cho phép bản thân ngơi nghỉ trong chốc lát để tư duy và thiết lập những mục tiêu mới.

"Phát triển bản thân là việc của cả đời. Dừng lại một ngày, ta đã trễ nhịp trên hành trình hội nhập vào một tương lai đang biến đổi quá nhanh và cực kỳ khốc liệt", bà tâm sự.


Để từng bước hoàn thành dự án để đời của mình

Ánh nắng cuối chiều dần tắt trên đường phố. Khép hờ trang sách, Nguyễn Phi Vân nhấp nhẹ ly cà phê, đưa mắt hướng về dòng người ngày càng đông đúc hơn. Đã lâu rồi, bà mới có dịp ở lại Sài Gòn lâu đến vậy. Dịch Covid bùng phát bất ngờ khiến kế hoạch đặt chân tới tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới của bà bị chậm lại. Nhưng con số 120/195 quốc gia đã đi qua thì chắc đã đủ ấn tượng với cả những người tự nhận mình là tín đồ của "chủ nghĩa xê dịch". Có thời điểm, bà dành đến 25 ngày mỗi tháng để đi nước ngoài.

"Đây có lẽ là điều duy nhất tôi không hoàn thành trong mục tiêu 5 năm vừa qua của cuộc đời mình. Nhưng không sao, tôi vẫn đã được sống đã đời, làm việc, cống hiến đã đời và tạo ra nhiều dự án mang đến lợi ích cho cộng đồng", bà Nguyễn Phi Vân trả lời với nụ cười thật hiền.

Vừa đó, bà cũng kịp đặt cho mình nấc thang mới để tiếp tục chinh phục trong 5 năm tới. Bà cho biết sẽ mở rộng NYM thành dự án AI thông minh có thể dạy, update kiến thức, kỹ năng tương lai một cách cá nhân hóa và miễn phí cho tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Dự án hướng tới việc giúp đỡ các bạn trẻ hội nhập vào tương lai bất định phía trước một cách tự tin và vững vàng hơn.

Bằng ánh mắt cương nghị, bà Vân khẳng định, đây là dự án cộng đồng tâm đắc nhất và xem nó là dự án để đời. Trong 5 năm tới, bà cũng sẽ tập trung tìm kiếm thế hệ tiếp nối xứng đáng tham gia phát triển dự án, sử dụng công nghệ để giúp đỡ được nhiều người hơn, một cách thiết thực hơn. Tham vọng của bà là dự án không chỉ dừng lại ở tầm quốc gia, mà còn trở thành dự án quan trọng của thế giới.

Hiện, bà cũng đã thành lập doanh nghiệp xã hội cho dự án NYM với một số bạn trẻ. Họ cùng nhau xây dựng chiến lược và kế hoạch triển khai cho dự án trong 5 năm tới với mục tiêu giúp dự án phát triển đúng mong muốn và một cách bền vững, tiếp cận được tất cả các bạn trẻ GenZ tại Việt Nam và góp phần xây dựng một thế hệ tiếp nối rất người, rất cập nhật và biết sử dụng sáng tạo làm công cụ để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Vừa qua, bà cũng được mời chia sẻ về dự án tại các diễn đàn cấp quốc gia tại Singapore và Malaysia ngay khi trình bày ý tưởng với chính phủ các nước.

"Từ nay đến cuối cuộc đời mình, tôi sẽ chỉ tập trung giúp cho thế hệ tiếp nối thay đổi, học được, tìm được mục đích sống tốt đẹp, với kiến thức và kỹ năng cập nhật, để giúp cho nhân loại và hành tinh này ngày càng trở nên biết yêu thương và chia sẻ hơn. Đây là dự án cộng đồng mở nên tôi cũng mong muốn sẽ nhìn thấy nhiều bạn trẻ tài năng, nhiệt huyết chủ động tiếp cận và góp sức vào cho dự án", nữ chuyên gia kêu gọi.


Mục tiêu là kim chỉ nam trong mọi hành động

Để hoàn thành chặng đường 5 năm, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ, điều quan trọng nhất của mỗi người là phải xác định mục tiêu và lên kế hoạch. Bởi người sống mà không có mục tiêu không khác gì kẻ đi đường mà không biết đích đến. "Không có mục tiêu và kế hoạch, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được thành tựu gì trong đời, nên tôi luôn kỷ luật với thói quen này".

Để xác lập mục tiêu, bà Nguyễn Phi Vân chia thành 3 tầng tiếp cận: mục đích cuộc đời, mục tiêu hàng năm và điều chỉnh mục tiêu thường xuyên theo sự thay đổi của các tác động môi trường bên ngoài. Và luôn sẵn sàng:


1. Hành động quyết liệt

Khi đã có mục tiêu, ta cần kế hoạch hành động để thực hiện một cách quyết liệt. Với mục tiêu cuộc đời trong 5 năm qua, bà đã phải từ bỏ công việc mà mọi người mơ ước, một môi trường an toàn để dấn thân vào hành trình từ vạch xuất phát:

Bà xin từ chức giám đốc phát triển toàn cầu của một tập đoàn bán lẻ và nhượng quyền, đi làm thực tập sinh cho một startup công nghệ tại Singapore để tìm hiểu thế giới startup và sáng tạo. Bà đọc sách, đăng ký học online, tham gia rất nhiều hoạt động về startup và công nghệ, tham gia làm mentor cho startrup… chỉ để giúp cho bản thân cập nhật nhanh và hiệu quả hơn. Sau một năm, bà đã hiểu rất rõ cách kinh tế sáng tạo vận hành, kết nối nó với kiến thức và kinh nghiệm bản thân để tạo ra cho mình hướng đi hoàn toàn mới, rất tương lai.

"Tôi đã bỏ tất cả mày mặt của một người thành đạt để đi học lại về công nghệ và sáng tạo", bà nhớ lại cách mình theo đuổi mục tiêu.


2. Và 'sống chết' cho tới cùng với mục tiêu đặt ra

Yếu điểm lớn nhất của nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay, theo nữ tác giả, là "thiếu lửa". Các bạn đã quen với kiểu được kêu gì làm nấy, làm thì làm cho có, không quan tâm thành công hay không, không tự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo sao cho việc mình làm tốt hơn, hay ho hơn, bùng nổ hơn.

"Năng lượng lều phều. Thái độ lình xình. Mơ mộng viễn vông. Vãn than không ngừng sao nhiều việc quá. Rồi suốt ngày nhắn tin tán loạn hỏi đủ thứ người bí quyết để thành công", bà nghiêm khắc.

Thay vì than vãn, bà khuyên các bạn trẻ nên "bò lết" ra làm, khi đã nhận việc gì thì ngủ cũng suy nghĩ cách làm cho nó xịn hơn, hay hơn, đã đời nhất có thể, không mảy may tính toán thiệt hơn. Việc nào cũng vậy, lớn nhỏ cũng vậy, có tiền hay không cũng vậy. Làm riết thành bản năng, không cho phép bản thân bị giới hạn bởi bất kỳ ai, bất cứ tình huống nào, bất cứ điều kiện gì. Sẽ luôn "bày mưu tính kế", tìm đủ thứ cách, không có đường thì mở đường. Tận nhân lực tri thiên mệnh.

"Có những lúc làm muốn gục ngã vẫn không chạm tới kỳ vọng. Nhưng mà nó đã đời, vì bản thân tận lực, vì lượm lặt được thêm mớ bí kíp mới trên đường. Nhưng đã đời nhất là gì biết không? Có một mặt trận mà ta cỡ nào cũng thắng với tinh thần rực lửa này, dù kết quả cuối cùng có ra sao, đó là mặt trận nhân tâm", lời khuyên chân thành của bà Nguyễn Phi Vân dành cho các bạn trẻ.


3. Thành thật và nghiêm khắc với bản thân về kết quả đạt được

Mỗi người nên luôn đặt cho mình danh sách những việc cần làm trong năm và đánh dấu khi hoàn thành một công việc nào đó. Nếu làm không được thì nhận là không, đừng tự "ru ngủ" mình với một mớ danh sách, từ ngữ hoa mỹ, vô nghĩa, lơ mơ, vũng vãi chỉ để cho thấy mình đỡ vô dụng. Các thành tựu bản thân nên là cái gì đó có thể nói rõ ra được, sờ mó được.

"Có khi nào bạn thấy mình làm quá nhiều, nhưng không đủ một để có thể kể ra? Có khi nào làm nhiều lắm nhưng tất cả đều dang dở? Có khi nào chỉ loanh quanh chạm vào việc này, nhúng vào việc kia nhưng không sở hữu một công việc, dự án nào cụ thể? Có khi nào cảm giác quá bận rộn, overload nhưng hỏi cụ thể làm gì thì ú ớ kể không ra? Vậy, nghĩa là đang không có làm gì. Có khi, hôm nay ta nên dừng lại. Hỏi mình mục tiêu cần đạt được là gì. Để đạt được mục tiêu đó ta cần làm cụ thể những việc gì. Khi hoàn tất, những việc đó có mặt mũi hình hài cụ thể ra sao. Thà là làm ít mà xong việc có ý nghĩa, còn hơn trưng ra một cái sớ loằng ngoằng dở dang vô nghĩa", nữ chuyên gia khuyến cáo.



579 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page