top of page

SAO HỌ CHẲNG LẮNG NGHE?


Một bạn trẻ hỏi tôi “Sao em nói toàn những điều đúng, một hai tháng sau xảy ra y chang như vậy mà chẳng ai chịu nghe em?”

Tôi hỏi em “Nếu nói cùng một vấn đề với 10 người khác nhau, em sẽ chọn cách nói nào cho hiệu quả nhất?”

Em nhìn tôi “Ủa là sao chị?”

Ta chỉ có thể làm cho người khác hiểu và lắng nghe khi ta giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ. Có khi, điều ta muốn nói nên trở thành điều họ tự nhận ra. Con người thích hơn thua, thích thắng thế, thích tỏ ra giỏi giang và lên mặt dạy dỗ người khác, và có chăng nhiều lúc ta áp đặt ý kiến của mình? Vậy thì người ta không nghe bạn là đúng rồi. Chẳng ai trên đời này thích bị người khác áp đặt bao giờ. Hãy cho người ta khoảnh khắc eureka khi những điều ta nói là nguồn cảm hứng cho người khác nhận ra điều cần biết.

Có 10 ngôn ngữ để nói với 10 người về 1 vấn đề. Em hỏi làm sao biết ngôn ngữ của họ là gì để mà sử dụng? Không có một danh sách các ngôn ngữ có sẵn cho bạn chọn đâu nhé. Bạn phải chịu khó làm việc một chút. Ngôn ngữ của người đối diện, của mỗi người là do bạn tìm ra khi lắng nghe và quan sát họ đấy thôi. Nên muốn giao tiếp hiệu quả với họ, trước hết hãy lắng nghe. Vậy lắng nghe làm sao cho hiệu quả để tìm ra ngôn ngữ mà giao tiếp?

1. Focus – tập trung: muốn nghe thì phải tập trung nghe, và tập trung vào người đang nói nhe, đừng cứ tập trung vào những gì mình đang suy nghĩ, chuẩn bị nói, chuẩn bị phản biện, vv. Cứ bình tĩnh tập trung nghe người ta nói gì và nói thế nào đã chứ. Có như vậy bạn mới biết ngôn ngữ của họ là gì.

2. Put away your phone – Dẹp điện thoại: điện thoại có thể nói là nguyên nhân gây sao lãng number 1 trong xã hội hiện nay. Ngồi đó với người thật việc thật mà con người cứ chăm chăm kiểm tra tin nhắn, emoji trên điện thoại. Giờ bạn lắng nghe những cảm xúc thật hay bạn ghiền emoji ảo trên điện thoại của mình? Người ta nói bạn không nghe thì bạn trách gì chuyện người ta không nghe khi bạn nói?

3. Ask good questions – Hỏi câu hỏi liên quan: khi lắng nghe mình mới biết hỏi gì và hỏi để tìm hiểu sâu hơn, làm rõ hơn những gì người khác nói. Hỏi cũng là cách để tạo nguồn cảm hứng cho câu chuyện. Nếu cứ ngồi đó gật gật chẳng nói gì, người ta sẽ hiểu rằng bạn chẳng quan tâm.

4. Practice reflective listening – Diễn giải điều người khác nói: nghe là một chuyện, hiểu đúng ý người nghe không là chuyện khác. Có nhiều khi người ta diễn tả chưa hết ý, chưa rõ, hay có nhiều khi bạn trong một phút sao lãng nghe không hết, không rõ, nên hiểu sai ý của người ta. Khi cảm thấy cần hỏi lại, làm rõ, tốt nhất là bạn tìm cách diễn giải lại ý người ta vừa nói theo cách của mình. Như vậy bạn vừa kiểm tra hiểu biết của mình, vừa làm cho người đối diện cảm thấy bạn đang lắng nghe tích cực.

5. Use positive body language – Sử dụng ngôn ngữ hình thể tích cực: việc bạn lắng nghe được diễn tả nhiều nhất bằng ngôn ngữ hình thể, cách bạn nghiêng người về phía trước, cách bạn chăm chú nhìn người nói, cách bạn diễn tả cảm xúc theo nội dung nghe, vv. Ngôn ngữ hình thể tích cực là nội dung đối thoại quan trọng để người khác biết bạn đang lắng nghe tích cực.

6. Don’t pass judgement – Đừng phán xét: nghe đã nhé, đừng có chưa nghe hết đã lắc đầu, cau mày tỏ vẻ chẳng hài lòng, không đồng ý, xem thường người khác. Người ta chưa nói hết thì bạn hiểu gì mà phán xét người ta? Không nghe thì không hiểu. Không hiểu thì làm sao biết ngôn ngữ cần sử dụng để giao tiếp với người ta là gì?

7. Keep your mouth shut – Im lặng: muốn nghe thì phải im cho người khác nói. Người ta chưa nói mình đã nhảy vào thì ai nói ai nghe? Người ta nói nửa câu mà bạn nghĩ bạn biết hết rồi thì chẳng còn ai muốn nói. Nghe chưa hết, nghe nửa vời mà đã áp đặt người ta rồi thì làm sao hiểu họ, hiểu ngôn ngữ của họ mà giao tiếp?

Nên em ạ, muốn người ta nghe mình, trước hết hãy nghe họ, hiểu cách họ diễn đạt, hiểu ngôn ngữ họ sử dụng, hiểu cách họ tư duy. Nghe đã rồi mới nói chuyện của mình theo ngôn ngữ của người ta nhé.


52 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Giác quan thứ 7

bottom of page