top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

TẠI SAO TÔI CHƯA ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ?



Bạn cần nhớ câu này, “Nếu bạn muốn có thứ bạn chưa bao giờ có thì bạn cần phải làm thứ bạn chưa từng làm.”


Không thể có kết quả vượt bậc, thành công rực rỡ, thành tích vượt trội khi mà ý muốn đó nó chỉ là duy ý chí, còn thực tế thì bạn chưa hay không làm gì khác đi. Mọi thứ trên đời thật ra rất đơn giản, input đầu vào kiểu gì thì output đầu ra tương ứng. Cho nên, nếu chưa đạt được kết quả thì bạn cần hỏi mình, input của mình đã đủ chưa? Liệu mình có đang bị rơi vào cái bẫy guồng quay bình thường, ngày ngày làm y chang như vậy, tuần tuần cứ lầm lũi đi về như vậy, trước nay sao giờ cứ đâm đầu làm i sì như vậy? Thông thường thì, con người hay bị rơi vào vết xe đổ như thế trong công việc và cuộc sống, đơn giản vì mình đã quá quen với nó, và đơn giản vì mình cảm thấy quen thuộc và an toàn với nó. Chính sự quen thuộc và an toàn này làm cho chúng ta xà quần trong cách làm cũ, cách suy nghĩ cũ, cách tạo ra kết quả cũ. Input cứ như vậy, thì output sẽ cứ như vậy, làm sao có sự tiến bộ hay thành tích vượt trội được? No way!

Cho nên, hoặc là bạn cứ làm chuyện cũ, giữ trách nhiệm cũ, loay hoay trong mớ vấn đề cũ, hoặc là bạn thay đồi hoàn toàn cách bản thân tư duy và hành động. Mình có dành thêm thời gian chất lượng để tư duy và suy nghĩ về cách làm? Mình có cùng với đội ngũ brainstorm - nghĩ ra nhiều cách làm mới, sáng tạo hơn, hay ho hơn, hiệu quả hơn? Để đạt được mục tiêu đề ra thì mình cần tính toán bắt đầu từ mục tiêu, không lơ mơ và lòng vòng được. Không có chuyện làm như cũ mà ra kết quả mới được. Muốn có kết quả vượt bậc thì bạn cần cách làm mới vượt bậc. Đơn giản vậy thôi! Cho nên, nếu tới giờ mà bạn vẫn chưa đạt được kết quả thì, bạn cần đặt cho mình 3 câu hỏi sau:


Câu hỏi thứ 1: Kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu của tôi đang gãy ở chỗ nào?

Đầu tiên hết là bạn có kế hoạch hành động không? Ví dụ, nếu tôi muốn có 10 hợp đồng được ký thì tôi phải suy nghĩ khả năng chuyển đổi từ khách hàng quan tâm đến khách hàng ký hợp đồng với mình là bao nhiêu phần trăm. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào khả năng thuyết phục, đàm phán, làm deal của tôi và đội ngũ của mình. Nếu tỷ lệ đó đang quá thấp thì tôi phải xem lại chất lượng đội ngũ. Tôi cần training thêm cho nhân sự? Hay tôi cần có chính sách khuyến khích? Hay tôi cần người giỏi hơn, có khả năng hơn, có nội lực hơn? Hay tôi cần qui trình tự động hoá hơn để theo dõi thật chặt chẽ từng bước trong quá trình chuyển đổi khách hàng, tránh tình trạng khách hàng bị bỏ lơ trong quá trình tương tác?

Tiếp theo, nếu muốn có số lượng bao nhiêu đó khách hàng quan tâm để chuyển đổi thì tôi cần bao nhiêu data khách hàng tiềm năng, tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng sang quan tâm là bao nhiêu phần trăm, và để có bao nhiêu đó khách hàng tiềm năng thì tôi phải thu thập bao nhiêu lead, thu thập từ những nguồn nào, làm cách nào để thu thập được, làm sao để có thể mở rộng thêm nhiều nguồn mới có chất lượng hơn?


Khi dành thời gian tư duy về mục tiêu và kết quả, bạn sẽ bắt đầu đặt cho bản thân nhiều câu hỏi về việc làm gì, làm thế nào để đạt được kết quả đó một cách hết sức thực tế, chi tiết, cụ thể, rõ ràng về số liệu, và tạo ra kế hoạch hành động tương ứng để có thể đạt được kết quả đặt ra tại từng cột mốc, một cách hết sức chặt chẽ, thì mới có thể mong đạt được mục tiêu đề ra. Không thể mong chờ vào sự may mắn ở đây. May mắn chỉ đến khi bạn đặt ra mục tiêu và có kế hoạch hàng động cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Còn nếu nó đang gãy, thì bạn nên rà soát lại nguyên cả chuỗi quá trình hành động của mình đi, xem nó gãy cụ thể ở chỗ nào, thì ngay lập tức mình cần hiệu chỉnh ngay chỗ đó.


Câu hỏi thứ 2: Mục tiêu đặt ra có phải dành cho tôi không?

Đây là lúc bạn cần hết sức thành thật với bản thân mình. Mỗi người chúng ta đều đang ở một level nhất định nào đó về khả năng, và một lần nữa, dù ai cũng có quyền mơ lớn, không phải ai cũng có thể hiện thực hoá được giấc mơ đó của mình. Điều này không có nghĩa là mình dở, mà là mình cần hết sức thực tế về khả năng hiện tại, để có thể thực hiện được những mục tiêu tương ứng với khả năng hiện tại. Nếu khả năng và nội lực của mình chưa tới, hơi thiếu và còn cách xa so với mục tiêu đề ra, thì mình cần phải hết sức thành thật về điều đó, và nên hiểu rằng mình cần được giúp đỡ, có thể là cần sếp giỏi hơn để dẫn dắt, có thể là cần đồng đội có khả năng hơn để cộng tác, có thể là cần tách mục tiêu ra cho những người khác nhau cùng gánh thì mới mong có thể đạt được.


Đây là câu hỏi khó, vì trên đời ai cũng mày mặt và không chịu nhận ra mình chưa đủ giỏi. Ai cũng có cách để đổ thừa, tại vì thì là bị thế nọ thế kia, chứ mấy ai chịu nhận trách nhiệm về mình, và dám nói ra là mình chưa đủ level để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra? Nhưng dù là gì, nên nhớ khi bạn đã không hoàn thành mục tiêu, không đạt kết quả nghĩa là bạn đã không làm được, chấm hết, những sự biện minh còn lại thật ra chẳng có ý nghĩa gì. Thành ra, nếu mình chưa OK thì nhận mình chưa OK, rồi học hỏi để level up. Đừng vì chút mày mặt mà cố chấp để rồi làm hoài không đạt.


Câu hỏi thứ 3: Ai có thể mentor cho tôi để tôi đạt được kết quả?

Trên đời, không ai có thể biết hết tất cả mọi cách làm hay, mọi con đường đúng, mọi cách tiếp cận phù hợp. Đó là lý do vì sao ai cũng phải học hoài, học mãi để nâng cấp bản thân. Còn khi gặp khó khăn, gập ghềnh, nghĩ không ra, tư duy chưa tới thì ai cũng cần cho mình một mentor để giúp mình đặt câu hỏi đúng, khai phá cách tư duy đúng, tìm kiếm những cách tiếp cận mới, vv. Mentor tuỳ theo hoàn cảnh có thể là bạn bè, đồng nghiệp, sếp, người giỏi trong ngành, vv. Khi bản thân gặp vấn đề, đôi khi bạn bị stuck trong cách nghĩ cũ và không tìm ra hướng đi mới. Chính mentor sẽ là người khai thông đoạn bị kẹt đó, giúp mở ra cho bạn những góc nhìn mới và từ đó tạo ra những giải pháp mới.


OK, vậy thì bạn nên hỏi bản thân mình ngay hôm nay, rồi đi tìm câu trả lời cho mình đi nhé. Nói gì nói, cứ phải đạt mục tiêu và kết quả đặt ra đã. Đừng tìm bất cứ cách gì để biện minh.

5.008 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page