Hết năm, ngồi tua lại cả năm qua, nghĩ chuyện mình chuyện người, thấy năm vừa qua làm được vài chuyện hay, một cách hết sức quyết liệt, nhưng cũng vướng vào và mục kích nhiều chuyện tào lao, đẽo cày giữa đường, làm ơn mắc oán. Người ta nói, về Việt Nam làm gì cũng đừng tin ai, nhưng không tin ai thì làm được gì, vì niềm tin là gốc rễ của mọi sự hợp tác mà. Còn đã không tin, thì thà là đừng hợp tác, đừng làm gì, đừng xuất hiện. Có khi, linh tính báo có gì đó không ổn, nhưng vì muốn mở lòng giúp đỡ, và vì giấc mơ ấp ủ bao năm nay đưa được doanh nghiệp và thương hiệu Việt ra thế giới, nên nhiều khi cũng hơi hào hứng quá đà. Ngẫm lại, không tiếc, vì tính mình làm gì cũng làm hết khả năng, trao hết năng lượng, bỏ hết tâm vào đó. Được thì vui. Không được, thì hiểu tại sao, học được bài học, và bỏ xuống không tiếc nuối. Tất cả đều là trải nghiệm, dù tốt hay xấu, dù thành công hay thất bại, dù được người đời ca tụng hay chỉ trích.
Nếu hỏi, có cảm thấy tổn thương khi làm ơn mắc oán, làm việc đàng hoàng mà vướng thị phi không, thì chắc là không tổn thương, nhưng hơi buồn cho xã hội Việt Nam. Nếu cứ cái nồi lẩu cua như thế này, thì ai rồi cũng sẽ khép lòng mình lại, chẳng ai còn tin ai, chẳng ai còn hợp tác gì với ai. Mọi thứ sẽ lại loay hoay trong vài ba tấc đất và từng nhóm lợi ích cục bộ, mơ gì những thứ lớn lao hơn?
Ai cũng đúng, ai cũng là nạn nhân
Đã là người, ai cũng giành phần hay chuyện đúng về mình, rồi đổ hết phần xấu xa, tội lỗi cho người khác. Việt Nam càng như thế, khi cần thì rải hoa hồng, mở champagne, khi được việc rồi thì quay lưng trong vòng 3 nốt nhạc, không biết ơn nghĩa là gì, mà tệ hơn nữa là còn mặt mũi đi khẩu nghiệp người ta, biến chuyện người ta đã làm cho mình thành một thứ thuyết âm mưu, đẽo gọt lợi ích cá nhân, biến họ thành tội đồ, biến mình thành nạn nhân, biến chuyện tử tế thành trò lươn lẹo. Có lẽ, người Việt Nam đã được nuôi lớn trong môi trường như vậy, lấy đó làm lẽ thường tình, kỹ năng sống còn, cuộc tranh đấu thường ngày để mưu sinh. Đi tới đâu, cũng nghe người ta nghĩ xấu, nói xấu, kết tội nhau, lấy đó làm đầu câu chuyện. Thật đáng tiếc cho cả một dân tộc đang đắm chìm trong nồi lẩu cua, chỉ biết kéo nhau xuống, đập nhau cho vỡ vụn ra, ăn thua trong sự nhỏ nhen, ích kỷ.
Khi ai cũng đúng, ai cũng là nạn nhân, thì ai cũng có quyền khẩu nghiệp người khác. Còn mình, sao chẳng ai dành chút thời gian coi lại, xem mình có đạo đức sáng ngời như mình tưởng hay không? Sự thật có phải là như vậy hay không, hay tại cái tính đa nghi, vì sự mất niềm tin của mình mà con kiến đang biến thành con voi trong căn phòng chật chội? Người ta có ý đó hay không, có thật là đang làm chuyện xấu hay không, hay chẳng qua chỉ là mình suy diễn? Đa phần, não người vì quá nhạy cảm mà trở thành đạo diễn xuất sắc, thêu dệt chuyện bốn phương. Cuối cùng, con người không nhìn được mặt nhau, nói rõ ràng được cho nhau, nhận lỗi phải với nhau, cố chia sẻ cho nhau hiểu. Chuyện tưởng chừng như dễ nhất, minh bạch rõ ràng về ý định và cách hành xử của mình, lại trở thành thứ khó khăn nhất để giải thích cho nhau. Tất cả, cuối cùng chỉ vì con người thiếu lòng tin, trong một xã hội không có nền tảng về niềm tin, trong một thời thế dẫn dắt bằng thế quyền, bạc tiền và sự lưu manh đường phố.
Được mình, kệ người
Ai cũng nghĩ cho mình, ai cũng cho rằng người ta đang âm mưu tính toán cái lợi về họ, nên ai cũng ngấm ngầm tìm cách cài cắm phần hơn. Phương án nào cũng phải dẫn về được mình, kệ người, ai ra sao ra không quan tâm, miễn cá nhân mình hẫng tay trên là được. Tâm thế đó, sự nhỏ nhen và vị kỷ đó nó ngấm sâu vào máu, từ kẻ mới tập tành ra đời cho đến đứa lão luyện thương trường. Ai sao kệ người ta, mình lợi là đủ, căn bệnh nghiệt ngã nhất, thời đại nhất của Việt Nam nó trụ trong những linh hồn Việt Nam, không cách gỡ. Trong bối cảnh như vậy, người ta đành dạy nhau phải lưu manh hơn, lươn lẹo hơn nếu không muốn bị dạt ra như mớ dưa ôi.
Rồi ai cũng được mình kệ người thì ai thắng ai thua? Tất cả đều thắng một hai mùa, và ai rồi cũng thua vài keo cược. Cứ thế, người đời không ngừng nhoi lên dìm xuống, khi được, khi mất, khi có, lúc không. Được mất có khi, nhưng sâu trong tâm khảm mỗi người là vết thương vĩnh hằng không thể nào lành được. Ai đó rồi sẽ chơi mình, mình rồi sẽ phải tính toán để chơi lại ai kia. Cuộc hỗn chiến được mình kệ người ngày càng mang tính chân lý, hiện thực, thức thời và chính nghĩa. Thương thay! Buồn thay!
Bề ngoài và sự to tiếng
Dù đã bao năm qua, cái thứ hào nhoáng, miệng nhà quan, mồm nhà bạc nó đã hại bao người, thì người ta vẫn cứ đeo bám vào những giấc mơ sân khấu đó, u mê tôn thờ nó, khao khát chạm vào nó, cá cược đời vào nó. Bề ngoài, nó trở thành điều kiện để đánh giá nhân cách, soi xét mức độ thành công, bảo chứng cho giá trị và đạo đức. Bề ngoài, nó làm được điều đó sao? Hỏi không biết sao mà trả lời, nhưng nó là chân lý trên mạng và ngoài đời của những đám đông đam mê hơn thua bám trụ. Người ta khoa nhau kim cương, sổ đỏ, đồ đồ, xe xe, rồi lấy đó để chứng tỏ sự siêu việt của mình, trên những con dân đen nhúc nhoi, ăn mắm tôm mơ resort 6 sao. Đáng buồn hơn, là khi đám đông tin sái cổ vào điều đó, vì họ không biết gì nhiều hơn, vì họ cả đời chỉ được dạy phải ngồi im, lắng nghe, và tin vào những điều vi diệu.
Xã hội, ai to tiếng người đó tranh thủ được nhiều follow. Ai càng hả mồm chửi bới, càng độc ác nghiệt ngã, càng lồng lộn khùng điên, càng được nhiều sự quan tâm. Trách ai bây giờ? Họ đã được giáo dục như thế từ gia đình, từ chính làng xóm và xã hội của mình, nơi sự yếu kém thể hiện ở tính biết điều, hiểu chuyện, làm đúng và sống tốt. Ngu ráng chịu, ai kêu không biết sân si, người ta dạy nhau như thế, và lũ con nít đã lớn lên trong sự răn đe như thế. Cho nên, chúng biết gì khác đâu ngoài chuyện bề ngoài, to tiếng, tin rằng đây chính là chìa khoá hơn người và đảm bảo thành công. Mới có bao nhiêu là thầy bà, diễn giả, guru ở ngoài kia, dạy đủ thứ tà ma trừ chuyện dạy làm người….
Hùa
Ôi, để thuộc về một đám đông, người ta phải hùa. Để chứng tỏ mình thuộc về phe mạnh, dù chẳng hề biết phe đó nó có giá trị gì, người ta hùa vào đó cho nó chắc. Để tránh không bơ vơ, lạc lõng, người ta chọn chạy về phía đông hơn, chỉ vì đông. Để tránh thể hiện sự yếu kém, không chính kiến, thiếu hiểu biết, không hiểu biết, người ta chạy về phía đám đông đang la hét, hô hào những điều hay ho rỗng toét. Vậy là xong. Hùa là kỹ năng sinh tồn, tránh nhiều thị phi, đỡ nhiều pha phán xét. Khi đã thuộc về, người ta an toàn, tha hồ thể hiện sự độc ác như tính cách của đám đông, và lỡ có gì sau này, thì chỉ cần đổ thừa lỗi lầm của đám đông, chớ bản thân chỉ lỡ sa chân lầm lạc. Người ta trốn vào đó để bung xoã góc tối của mình mà không cần phải chịu trách nhiệm. Why not? Tại sao không? Vừa thể hiện được mình vừa chẳng phải can dự khi hậu quả xảy ra, hùa thích quá đi ấy chứ!
Rồi cứ vậy, mà hết đợt này lớp kia, người ta đổ vào hùa, cho những thứ càng đen đúa càng rác rưởi càng thích thú. Hỏi sao, xã hội chẳng nhiễu nhương?
Đạo gì?
Chỉ một năm xác xơ sau đại dịch, trồi lên trên bề mặt của báo chí và mạng xã hội là những chuyện vô đạo đức đến tận cùng. Chúng trồi lên, là vì có những chuyện không thể tin được như thế đã xảy ra. Nhưng chúng trồi lên, phần lớn cũng là vì xã hội thích thú, tọc mạch, nghiện ngập cảm giác nhìn thấy sự đê hèn, độc ác, bệnh hoạn, biến thái nó trổ ra trong hiện thực. Từ trong mỗi góc tối tâm hồn giấu kín, người ta hả hê gặm nhấm những câu chuyện gớm ghiếc như thế để thoả mãn con tối của chính mình. Người ta bâu vào đó, chia sẻ nó, rắc hành thêm ớt vào đó, buôn gió bán mây cùng nó, và biến nó thành món giải trí miễn phí, trending, mơn trớn chiếc con trong hai chữ con người. Đã từ lâu rồi, chữ đạo đức không còn ai biết đánh vần. Đạo gì? Đức á? Hay là đứt? Đạo mà đã đứt thì còn gì là đạo, sao phải học, còn gì để phải quan tâm?
Đương nhiên, đời luôn có này có kia, có xấu và có tốt. Nhưng một năm qua, những điều trông thấy mà đau đớn lòng nó nhỉnh hơn nhiều quá, thành ra cũng đành phải ghi lại để nhắc nhở bản thân về sự thật không được phép né tránh. Thời này, chốn này nó đang là như thế đó, liệu hồn mà sống, liệu cách mà tu, liệu thế mà chống mà chèo, ngoài kia bóng đêm rồi sẽ còn nhiễu nhương, hỗn loạn….
Comments