Ai cũng hỏi, sao không thấy chị đi vô văn phòng làm việc. Trả lời, từ 15 năm nay khi làm việc quốc tế, tôi đã quen làm việc di động và online rồi. Hồi còn làm thuê, mỗi năm tới tổng hành dinh họp mỗi quý một lần. Còn lại, team base khắp thế giới, bay đụng nhau ở nước nào thì tụ lại họp quốc gia đó. Còn lại, tương tác với nhau qua platform quản trị chung của tập đoàn. Họp online thì Skype, Google Hangout, Zoom gì đó là xong. Còn lại, làm việc với đối tác qua whatsapp, viber, line, messenger, wechat. Nước nào sử dụng chat app nào nhiều thì mình làm việc với họ qua chat app đó.
Làm dự án, mỗi người một expertise – chuyên môn khác nhau, yêu cầu chuyên môn phải cực giỏi, phải biết tự quản trị bản thân, phải hết sức có trách nhiệm với team và dự án, vì bản thân làm không đúng cam kết sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả cả dự án. Làm dự án và teamwork kiểu này, chẳng ai quản trị mình, ngoài bản thân mình và giá trị tín nhiệm ta đặt ra cho bản thân. Nếu bản thân không deliver – làm đúng theo trách nhiệm đã cam kết, thì tự mình loại mình ra khỏi team thôi, không cần giải thích lòng vòng gì nữa cả. Không ai có thời gian và sức lực để đi tư vấn, coaching, dạy dỗ gì ai hết. Tất cả lớn hết rồi, và là expert rồi, làm được thì join vào dự án, không làm được thì tự đào thải.
Ngày xưa, chuyện này hiếm, vì chỉ những ai làm việc xuyên lục địa mới thế, và chỉ những thị trường đã phát triển mới thế. Còn giờ, trong sự chuyển mình của thế giới, của 4.0, của thế kỷ 21, nền tảng lao động mới là the gig economy hay the expertise economy – kinh tế chuyên gia. Do tác động của tự động hoá, của số hoá, của thời đại acceleration – tăng tốc, của thời kỳ collaboration – cộng tác, thị trường lao động của tương lai là sự cộng tác cùng triển khai dự án của những expert – chuyên gia trong từng lĩnh vực. Trong 5 năm tới, theo diễn đàn kinh tế thế giới, số lượng lao động chuyên gia này sẽ tăng gấp 3 lần. Hiện tại, lao động tại các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Tây Âu, thị trường lao động freelance kiểu chuyên gia đã phát triển đến 40-50% tổng số lao động đang tham gia làm việc. Tại các quốc gia đang phát triển, con số này đang gia tăng nhanh chóng theo xu hướng, từ 20-30%.
Với sự thay đổi cực lớn trong xu hướng lao động này, cả người đi làm và doanh nghiệp đều phải thay đổi cho phù hợp. Ai cũng hỏi, sao không thấy chị nhiều nhân viên. Vì vậy đó. Tôi không tuyển nhân viên full-time mấy, trừ những vị trí rất cần thiết. Còn lại, tìm người giỏi nhất tham gia từng dự án. Ai làm tốt thì cộng tác tiếp. Ai làm không tốt thì loại ra luôn. Quản trị khoẻ re, vì người đã gọi là chuyên gia và biết cộng tác thì mình khỏi cần phải nói gì nhiều cả. Họ phải tự biết quản trị bản thân để deliver – hoàn thành cam kết dự án theo KPI đã đề ra. Đây là xu hướng tất yếu của thế giới trong nhiều năm sắp đến.
Câu hỏi là, bạn trẻ Việt Nam đã sẵn sàng cho xu hướng này chưa? Câu trả lời là, hoàn toàn chưa. Muốn tham gia và tồn tại trong thị trường này, bạn phải có các kỹ năng quản trị bản thân, quản trị dự án, kỹ năng công tác, sáng tạo, giao tiếp, phải có tư duy độc lập, có tinh thần trách nhiệm cực cao. Những kỹ năng này, thế hệ trẻ Việt Nam không được trang bị và cũng không quan tâm trang bị. Chẳng hiểu vì sao, các bạn mắc một căn bệnh là bệnh dependence - phụ thuộc. Bản thân không có chính kiến, không biết cách suy nghĩ độc lập, không biết phản biện, không dám tự đưa ra quyết định. Chuyện gì cũng hỏi người khác, đẩy người khác, nhờ người khác, đổ người khác. Còn không biết phải quyết định sao, thì im, bỏ qua, chìm xuồng. Trời ơi, cả dân tộc thế thì làm sao nói chuyện hội nhập thế kỷ, hội nhập quốc tế gì cho được. Nhưng giờ nước nó ngập tới chân rồi.
Với The gig economy, the expertise economy, một là bạn tự thay đổi tư duy, học kỹ năng để tồn tại và hội nhập. Hai là bạn thất nghiệp. Khỏi đi làm chi cho mệt. Ở nhà ba má nuôi cho dễ. Còn thất nghiệp quá không biết làm gì thì khởi nghiệp đúng hông? Tính kiểu đó thì khởi nghiệp chắc ăn thất bại, khỏi cần xem business canvas – mô hình kinh doanh gì hết là cũng hiểu.
Thôi suy nghĩ cho nghiêm túc đi ha. The expertise economy là ở dưới chân rồi.
Hình: Điều gì làm bạn muốn làm việc freelance? - 36%: khó kiếm việc full-time - 54%: phù hợp với nhu cầu / mục đích cá nhân - 10%: khác Nguồn: Adecco
Comments