top of page

THIỀN HỎI




Thế giới này nhanh và tức thì quá, nên nhiều bạn trẻ quên luôn chuyện tự mình chủ động tìm kiếm thông tin. Ủa, sinh ra trong thời Google, được mệnh danh là Google generation - thế hệ google mà. Sao hỏi toàn những câu hỏi không nên hỏi, không cần hỏi, search cái là ra mà tại sao phải đi hỏi. Nhiều khi đọc câu hỏi mà ngán ngẩm, thở dài, mất mood, hết muốn giúp đỡ ai luôn. Cái gì cũng phải bắt đầu từ bản thân, từ sự cố gắng tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu và đưa ra giải pháp của bản thân trước. Đúng sai tính sau. Đúng sai lúc đó mới mang ra hỏi xem góc nhìn của người khác thế nào. Rồi nghe xong góc nhìn của người ta cũng phải tự mình phân tích, process thông tin và đưa ra chính kiến nữa. Đụng gì cũng hỏi. Nghe sao tin vậy. Làm vậy hèn gì mà fake news nó không nở rộ. Bản thân mình không có tư duy phản biện, không biết tìm hiểu phân tích và đưa ra chính kiến thì trách ai, đổ thừa ai?

Hỏi là một nghệ thuật. Nghe bạn đặt câu hỏi người ta có thể đánh gía được level của bạn tới đâu. Kiểu hỏi ngớ ngẩn, hỏi những chuyện không cần hỏi không nên hỏi thì xong phim rồi. Nghe xong thì quyết định đầu tiên người nhận câu hỏi làm là làm ngơ, bỏ ngay ý định giúp đỡ. Biết tại sao không? Ai mà đi giúp đỡ cho người kém chủ động, làm biếng, thiếu khả năng tư duy, vô trách nhiệm với bản thân? Chuyện linh tinh vậy mà còn mang ra hỏi được. Không tự tìm hiểu, thì không bao giờ làm chuyện gì ra trò. Chuyện nhỏ không xong, nói gì chuyện lớn. Cho nên, đặt một câu hỏi là thể hiện khả năng, bản lĩnh, tâm thế của bản thân. Đừng có tiện mồm hỏi tào lao, tùm lùm, lung tung, linh tinh như thế nha. Hỏi vậy là hại mình đó. Mỗi ngày bạn đang hại mình bao nhiêu lần? Xì tốp giùm tui nha. Dừng lại trước khi hỏi. Học thiền hỏi. Chậm một nhịp mà thay đổi cả cuộc đời đó bạn.


Thiền hỏi là môn tui tự chế ra sau khi bị hỏi quá nhiều câu và thở dài quá nhiều lần. Chỉ cho rồi thực tập đi nè.


Trước khi đặt bất kỳ câu hỏi gì cho ai, làm ơn nhắm mắt lại, hít thở thật sâu 3 cái, rồi hỏi mình những câu hỏi sau:


  1. Câu này có cần hỏi không?

  2. Hay mình google 5 lần khác nhau, sử dụng câu hỏi và từ khoá khác nhau, về chủ đề này xem thông tin thế nào?

  3. Hay mình đọc thử hết từ đầu đến cuối top 10 bài đầu tiên về chủ đề này xem người ta nói gì về nó?

  4. Nhưng mà top 10 nhiều khi là người ta mua từ khoá nên nó đẩy lên trên, hay mình thử bấm qua trang 2, trang 3 xem có bài gì khác về chủ đề này không?

  5. Trong tất cả những link bài về chủ đề này thì nguồn nào là đáng tin? Đáng tin nghĩa là báo chí hay tổ chức chính thống.

  6. Hay gIờ mình google lại bằng tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ gì khác mình biết xem kết quả sao?

  7. Tổng hợp hết những thông tin và góc nhìn đó xong thì bản thân mình thấy thế nào?

  8. Mà mình nghĩ giống ai trong số đó? Hay mình không nghĩ giống ai hết?

  9. Vậy cuối cùng là bản thân mình nghĩ sao về vấn đề này?

  10. Góc nhìn của mình như vậy có hợp lý không? Có cần đi hỏi và tham khảo thêm ý kiến người khác không?


Thường thì tới câu số 5 là bạn đã có câu trả lời rồi, và sẽ không cần đi hỏi nữa. Không hỏi, có khi là rất thông minh. Không hỏi, có khi nó cứu bạn đỡ mất quan hệ với một người có khả năng giúp đỡ bạn trong tương lai. Không hỏi, có khi là lên level. Đối đế lắm, khi đã nghĩ cạn kiệt và thấu đáo hết rồi mà vẫn chưa sure, thì mới mang ra trình bày rõ ràng suy nghĩ của mình để xin ý kiến người khác.

Rồi, thiền đi ha. Thiền nhiều vào. Thiền mỗi lần chuẩn bị đặt câu hỏi giùm. Ngậm miệng lại, thiền hỏi xong mới hỏi. Chỉ cần vậy thôi là đã phát triển bản thân lên một tầng rất mới. Chúc bạn thành công!

2.242 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

bottom of page