top of page

THỔ NHĨ KỲ - Chỉ có một người châu Á


Emrah phải nói là “người không mệt mỏi”. Gã dẫn tôi đi sùng sục từ chổ này sang nơi khác, xem cái cách người dân tiêu xài và hưởng thụ ở Istanbul. Mái tóc pha sương, hằn những nét thời gian của độ ngũ tuần, gã vẫn cứ xăm xăm như cái bình năng lượng. Theo nghiên cứu, dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cần mẫn nhất khu vực châu Âu, 46 tiếng một tuần (quốc gia làm việc ít nhất châu Âu là Hà lan, 34 tiếng/tuần). Hèn gì mà hắn không biết mệt. Ừa thì đi. Thích nhất là cái cách người ta trưng bày hàng hoá và tất bật sau những ô cửa kính. Cái kiểu hơi quê quê, hơi chân chất, nhưng lại là nghệ thuật biểu diễn của tương lai. Mê muốn chết.



Ảnh: lâu đài Tokapi


Rồi chúng tôi đi từ khu châu Âu sang khu châu Á. Nói về địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trải mình từ Tây Á sang Đông Âu, cách nhau bởi eo biển Bosphorous. Vậy là chỉ trong một ngày, tôi đi thăm đến hai đại lục. Đi một hồi, Emrah bỗng quay qua, hỏi có thấy gì lạ hay không. Tôi ngơ ngẩn lắc đầu. Emrah cười ngất, nói khu châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay mới có một người châu Á.


Văn hoá nội, tầm nhìn ngoại

Năm 2012, một nghiên cứu của tổ chức SETA khảo sát 10.174 thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ có độ tuổi từ 15-29 cho thấy hầu hết thanh niên Thổ không biết ngoại ngữ và chỉ có 10% đã một lần xuất ngoại. Hoạt động văn hoá ưa thích nhất của họ là xem phim bộ trên TV. 1/3 trong số họ không đọc báo. 52.4% thích nhạc trong nước và chỉ có 22% thích nghe nhạc nước ngoài. Đáng ngạc nhiên là năm 2013 khi British Council khảo sát, báo cáo cho thấy có 95% sinh viên Thổ muốn đi du học. Một nghiên cứu khác của Vodafone thể hiện 60% thanh niên Thổ trong độ tuổi 18-24 muốn đi ra nước ngoài làm việc.


Chiều đó hẹn nhau ăn tối. Mehmet đến đón tôi. Hai mươi tám tuổi, và năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, hắn phóng xe như bay và lấy làm khoái chí vì điều đó. Đạo Hồi, không uống rượu, không thuốc lá, hắn bảo thích cà phê cà pháo với bạn bè, thích tập gym, và xem phim bộ. Đất nước này sản xuất rất nhiều phim bộ, và cách giải trí này từ lâu đã trở thành văn hoá Thổ Nhĩ Kỳ. Xem, mê, và còn phải đi mua đồ giống như trong phim để mà xài. Câu chuyện đang hồi cao hứng, tôi hỏi hắn có bao giờ ăn gian, lén đi uống rượu. Hắn cười ngặt cười nghẽo, nói làm sao mà dám đi ăn gian với thánh. Theo đạo Hồi chết đi là chỉ có lên thiên đàn hay đi đờ-rét xuống địa ngục, không có cơ hội thứ 2. Hắn bảo có điều nếu tôi cải đạo mà theo đạo Hồi, thì tội lỗi hồi xưa không tính. “Vậy tối nay tụi mình đi quậy cho đã. Sáng mai tui cải đạo liền. OK hông?”. Mehmet cười hắc hắc. Rồi hắn nhắc hoài cái câu chuyện này mỗi khi chúng tôi gặp lại.


Thị trưởng nhi cô lai

Tại quận Lice của tỉnh Diyarbakir phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ít có phụ nữ nào đi làm ở ngoài xã hội. Hầu hết việc kinh doanh là do đàn ông đảm nhiệm. Quán cà phê nào cũng đầy ắp cánh đàn ông, vừa hút thuốc phì phà, vừa bàn chuyện làm ăn trong lúc ăn trưa. Đàn bà chủ yếu ở nhà chăm sóc trẻ con và vun vén gia đình. Vậy mà ở tuổi 25, Rezan Zugurli lại trở thành thị trưởng nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước Thổ. Tại đất nước mà chỉ có ¼ bé gái được cho đi học tại trường cấp 1, cô thị trưởng nhi cô lai này lại chịu khó lái xe một tiếng đồng hồ mỗi ngày đến Diyarbakir để theo học lớp truyền thông radio và TV. “Tôi vừa là thị trưởng vừa là sinh viên”. Cô mong sự cố gắng này sẽ giúp nâng cao vai trò của phụ nữ tại quận của mình nói riêng, và nói chung trên toàn nước Thổ.



Bảo tồn và tiến hoá

Ngày tấp nập với năng lượng tương lai, đêm khoan thai một vở opera tại lâu đài Topaki giữa lòng thành phố. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lùi, vẫn tiến, nhịp nhàng như điệu tango. Họ đi và di sản vẫn bên mình.


Thổ Nhĩ Kỳ là thế? Mình thì sao? Di sản của tôi là gì? Và liệu tôi có biết giữ gìn di sản của mình như Thổ Nhĩ Kỳ đã bao năm làm được? Hồi bắt đầu đi ra thế giới, hai bàn tay không đâu có biết di sản của mình là cái chi chi. Sau này trải nghiệm nhiều rồi, mới hiểu di sản của mình là giá trị sống có nhân, có thành, và có có nghĩa. Đường rất xa, gian nan là tất yếu, và sẽ có hàng vạn những điều cám dỗ quanh ta. Một khi ta đánh mất chính mình, ấy chính là lúc ta không còn di sản. Bạn biết không? Một ông già triệu phú đã nói với tôi thế này: “Tôi có thể mua khả năng. Có tiền là mua được. Nhưng tôi không thể mua trái tim và giá trị của một con người. Người tôi cần là người không mua được.”


Trích chương 8 - Cổ xưa trong hiện đại - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

108 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page