top of page

Thời nào thế đó



Nỗi đau của tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi chuyển mình từ level này sang level khác nằm ở sự quen thuộc, thói quen, cách làm cũ, kiểu if it ain’t broke, don’t fix it - nếu không hư thì đừng sửa. Đó giờ mình làm vậy nó work, nó OK, và mình đã làm vậy gần cả chục năm rồi chẳng hạn, thì rõ ràng mình có rất nhiều kinh nghiệm, mình đã thành công, mình không có vấn đề gì sất. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ, cách làm đó nó chỉ phù hợp với thời đoạn đó? Khi tổ chức của mình nhỏ xíu xiu thì làm vậy nó work. Khi công việc đòi hỏi bình thường thôi thì cách đó nó OK. Khi bỗng dưng business nó nở ra gấp 5-10 lần về độ lớn, thì liệu cách làm thời diễm xưa, khi ta loi nhoi ấy nó có còn hợp với ta? Bạn nghĩ đi, và tự bạn trả lời đi, vì chỉ khi bạn tự mình nhận ra thì bạn mới có thể tự mình vượt qua được cái ngưỡng của sự quen thuộc.


Cái ngưỡng của sự quen thuộc nó thật là hại não, vì nó muốn giữ bạn ở đó, với những thứ bạn đã quen, với những bài bạn đã thuộc, với những minh chứng về quá khứ thành công mà chính bạn luôn khao khát nhắc lại để mơn trớn cái ego luôn tìm cách phồng to lên của chính mình. Đôi lúc bạn quên là, thời nào thế đó. 1 không thể giống 5. 5 không thể xử như 10. Thứ gì nó work cho 1 thì, ít khi nào cứ khư khư giữ y sì như vậy mà nó còn work cho cái thời đã lên 10 thành 8. Có khi ta quên. Có khi ta giả bộ quên. Có khi ta không nhận ra vì bản thân chưa bao giờ biết như thế nào là 8. Ở trong cái bong bóng nguy hiểm đó, người ta trở nên ignorant - thiếu nhận thức, không quan tâm đến cái thời, vì ngỡ rằng đời sẽ mãi loanh quanh như nó đã từng, và ta cứ sàng qua xê lại vài ba độ như đã từng là đủ. Liệu ta có biết thời đổi thì thế cũng phải dời chứ chẳng thể nào giữ yên như cũ? Làm sao có thể áp dụng cách làm cũ, khả năng cũ, kinh nghiệm cũ cho những vấn đề mới được?


Thế mới có từ agility - linh hoạt chuyển đổi liên tục theo sự chuyển động của môi trường và điều kiện bên ngoài. Hôm nay vậy, mai đã khác. Hôm qua vậy, nay đã khác. Ở giai đoạn này của dòng chảy thị trường và thế giới, thay đổi không còn tính bằng năm, vài năm, chục năm. Thay đổi tính bằng ngày. Giải pháp hôm qua vì vậy chưa chắc đã là tốt nhất cho hôm nay, khi xuất hiện những điều kiện mới. Câu hỏi là, bạn có đủ open-minded - tư duy mở để nhận ra sự thay đổi, đón nhận nó, tư duy lại về cách tiếp cận, tư duy lại về giải pháp, tư duy lại về hiện tại và tương lai. Chuyện này khó, vì không phải ai cũng rèn được chiếc tư duy mở. Và dù ta có cố gắng, đôi khi cũng không làm lại thói quen của não là đấu tranh chống lại cái mới, điều bất định, sự đổi thay. Dù đã hàng ngàn năm, hệ thống phòng thủ của con người từ thời ăn lông ở lỗ vẫn vận hành như mới, tránh hết rủi ro, giữ cho bản thể loanh quanh trong chiếc vòng an toàn, tiết kiệm năng lượng cho việc phải nghĩ về những điều rất mới và rất khác.


Cho nên, đây cuối cùng là chuyện ta phải vượt lên chính mình, liên tục nhắc nhở bản thân, rèn luyện tư duy mở đến mức nó trở thành thói quen đánh bại mọi sự phản kháng nguyên thuỷ và tự nhiên của con người về thời và thế. Chuyện này đương nhiên không dễ, nhưng là khả năng có thề rèn được. Cách rèn đơn giản nhất là thường xuyên tự mình hỏi mình những câu hỏi sau trong tâm thế phản tư, trước khi bạn nhanh nhẩu phản đối một đề xuất, ý kiến mới, cải tiến mới, thay đổi mới….

  • Ý kiến, đề xuất mới đó nằm trong ngữ cảnh nào?

  • Ngữ cảnh đó có mới và xuất hiện những nhân tố, yếu tố, điều kiện mới hay không?

  • Nếu có, thì nó khác với ngữ cảnh cũ mà bạn đã từng quen ở chỗ nào?

  • Nếu khác vậy thì bản thân mình cảm thấy cách làm cũ, giải pháp cũ có còn phù hợp nữa hay không, hay bạn nghĩ là thời đã khác cho nên cách làm cũng phải khác?

  • Nếu hiểu rằng thời khác cho nên thế cần phải khác thì, bạn nghĩ nó cần khác như thế nào?

  • Nếu phải làm khác đi thì list những điều cần thay đổi theo bạn là gì?

  • Vậy thì những điều bạn nghĩ cần thay đổi nó có trùng khớp với đề xuất, ý kiến của họ không? Chỗ nào giống, chỗ nào khác, tại sao khác?

  • Trùng khớp thì hay quá rồi, cứ vậy mà triển thôi. Còn nếu khác thì, có khi nào đề xuất đó là đúng và hợp lý?

  • Bằng không thì, điều gì bạn nghĩ cần hiệu chỉnh hoặc tư duy lại?


Đặt câu hỏi đúng là một kỹ năng. Tự đặt câu hỏi đúng cho bản thân để bản thân mình luôn tự soi xét lại bản thân lại là một kỹ năng siêu quan trọng. Làm được điều đó, bạn sẽ giữ cho mình luôn ở trong tâm thế radically open-minded - tư duy mở triệt để. Người có tư duy mở triệt để thì khỏi cần phải nói, họ là tuýp người sáng tạo, linh hoạt, cấp tiến và vì vậy luôn thành công ở bất kỳ thời thế kiểu gì.


Thời nào thế đó. Hiểu vậy chưa chắc đã chuyển động theo kịp. Chưa hiểu thì càng nguy hiểm hơn, vì bạn đang phán xét hiện tại và tương lai từ góc nhìn quá khứ. Bạn có đang như vậy, dù cố ý hay vô tình?

2.419 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page