top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

TIỀN LỆ?



Niềm tin là thứ không nhìn thấy, không sờ mó được. Cho nên, khái niệm mơ hồ của niềm tin là thứ không dễ khiến cho ai đó chạm vào. Đã là một khái niệm trừu tượng, lại còn diễn ở Việt Nam nữa, nơi khái niệm niềm tin hầu như đã mất gốc. Riết rồi, ai nói gì người ta cũng không tin. Hoặc giả, nghe xong thì nghi ngờ dữ dội hoặc nghĩ ngay điều ngược lại.


Mặc dù đã làm trong ngành nhượng quyền tính bằng vài chục năm, đã chính tay mang nhiều thương hiệu quốc tế đến từng đường ngang ngõ dọc của thế giới, khi quay trở về Việt Nam và nói về niềm tin đưa thương hiệu nhượng quyền Việt Nam ra thế giới, trước giờ vẫn nhận được toàn sự hoài nghi. Bằng không, thì cũng là những ánh mắt ái ngại cho một niềm tin được cho là quá cố vì cố quá. 


Kỳ thực, chuyện chưa có tiền lệ đương nhiên luôn tạo ra những nghi ngờ nhất định. Việt Nam mà nhượng quyền cho quốc gia khác được ư? Việt Nam làm gì có cửa? Việt Nam làm sao đủ level mà nhượng quyền quốc tế? Trong khi thị trường nhượng quyền Việt Nam còn quá xanh non và cực kỳ lộn xộn, rất nhiều thị trường nhượng quyền thế giới đã trưởng thành. Đương nhiên, vì trưởng thành hơn nên người ta chuyên nghiệp hơn, tích cực hơn, hiệu quả hơn và hợp tác hơn trong kinh doanh nhượng quyền. Điều này có nghĩa là, thị trường quốc tế lại cực kỳ tiềm năng cho những mô hình và thương hiệu độc đáo và mang tính bản địa cao của Việt Nam. Do đó, đôi khi thị trường nội địa chưa chắc đã tiềm năng cho mô hình kinh doanh nhượng quyền, nhưng thị trường thế giới thì lại hoàn toàn sẵn sàng để tiếp nhận và hợp tác nhượng quyền cùng thương hiệu Việt. 


Cơ hội luôn tồn tại. Vấn đề là, thương hiệu Việt có nắm bắt được cơ hội hay không. Muốn kinh doanh nhượng quyền thành công trên thị trường quốc tế, 3 điều kiện quan trọng mà thương hiệu Việt cần thỏa mãn bao gồm:


  1. Sản phẩm và dịch vụ mang tính bản địa và có khả năng được tiếp nhận dễ dàng đến người tiêu dùng thế giới. Đương nhiên, khi nói về tính bản địa thì ẩm thực Việt Nam luôn là ngành dễ show hàng nhất. 

  2. Dù thị trường có xanh non đến mấy, muốn nhượng quyền quốc tế thì nền tảng hỗ trợ của thương hiệu và mô hình phải cực kỳ chuyên nghiệp, ít ra là phải so sánh được với độ chuyên nghiệp tại các thị trường muốn nhượng quyền. Điều này cũng có nghĩa là những thương hiệu Việt đang nhượng quyền nội địa chưa chắc đã có thể nhượng quyền quốc tế. Lý do là, rất nhiều thương hiệu nhượng quyền nội địa đang nhượng quyền theo hình thức nhượng quyền phân phối hoặc nhượng quyền một cách cơ hội chứ hoàn toàn chưa có nền tảng và bài bản chuyên nghiệp.

  3. Cuối cùng, vì mình không biết hoặc chưa hiểu không có nghĩa là đối tác của mình không biết. Trong rất nhiều trường hợp, đối tác nhượng quyền quốc tế luôn hiểu biết hơn hoặc đã kinh doanh nhượng quyền với nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm hơn so với doanh nghiệp Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam muốn nhượng quyền ra thị trường thế giới thì rất cần phải có người dẫn dắt, mentor, cố vấn, đồng hành để chứng tỏ thực lực và khả năng chuyên nghiệp của con người và đội ngũ với đối tác nước ngoài.


Nghe tới đây, nhiều người sẽ lại lắc đầu và tỏ ra nghi ngờ. Niềm tin là một khái niệm trừu tượng. Nhưng nếu thiếu đi niềm tin đó, ngay cả khi hiện thực có thể còn khập khiễng so với giấc mơ biển lớn, có lẽ chúng tôi đã không thể chạm vào được vào ngày hôm nay. Ngày đầu tiên khai trương chi nhánh Phúc Tea đầu tiên tại thị trường Philippines với đối tác Master Franchisee - đối tác nhận quyền độc quyền thị trường Philippines, cũng là ngày đầu tiên thế giới nhìn thấy sự thật về việc hiện thực hóa của niềm tin bằng xương bằng thịt, bằng từng sản phẩm được bán ra, bằng từng con người dừng lại ngắm nhìn sản phẩm và thương hiệu Việt Nam được nhượng quyền một cách bài bản ra thế giới.


Nếu không có niềm tin này từ những năm 2016 khi quay về Việt Nam và xuất bản cuốn sách “ Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới”, nếu không có niềm tin này từ năm 2022 khi bắt đầu chương trình tăng tốc nhượng quyền quốc tế dành cho doanh nghiệp Việt Nam dưới ngọn cờ Go Global Holdings, nếu thiếu đi niềm tin này vào những founder trẻ còn chưa dám nghĩ đến chuyện bước ra thế giới thì, làm gì có được ngày hôm nay, ngày được ngắm nhìn thương hiệu Việt Nam mình cắm cờ một cách hiên ngang trên thị trường quốc tế.


Không có tiền lệ thì đã sao? Nếu bắt đầu từ niềm tin và kiên định trên hành trình mình đã chọn, niềm tin rồi cũng sẽ nảy mầm. Giờ thì khác rồi. Việt Nam đã có tiền lệ rồi. Không tin thì sự thật cũng đã phơi bày một cách hiển nhiên. Mong là, các thương hiệu Việt Nam sẽ nhìn vào ví dụ điển hình này để xây dựng giấc mơ quốc tế của mình bằng tư duy toàn cầu, bằng cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp, và bằng tầm nhìn dài hạn. 


Đã có một, sẽ có nhiều. Tôi tin vào điều đó. Đương nhiên, điều tôi tin vào hoàn toàn không có tiền lệ. Nhưng thế giới này làm gì có tiền lệ cho những người tiên phong? Câu hỏi là, bạn có phải là người tiên phong? Và bạn có tin vào những điều chưa bao giờ có cái gọi là tiền lệ? 

257 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page