Nhiều bạn inbox trăn trở với tôi thế này “Cô ơi sao gặp người lạ, gặp đám đông là em cứ co rút lại. Chẳng biết phải hành xử làm sao. Chẳng biết phải làm thế nào để người khác thích và nói chuyện với mình.”
Em ạ, trước hết đừng có đưa ra mục tiêu hết sức desperate – tuyệt vọng là phải làm cho người ta thích mình. Sao phải đặt áp lực lên vai mình như thế? Mình cứ là mình thôi. Sẽ có người thích và không thích. It’s OK! Đâu có sao. Đời này kiếm đâu ra người mà ai cũng thích. Người cùng chí hướng, hệ giá trị thì thích nhau. Người Khác mục đích, khác giá trị thì không thích nhau. Nước sông không phạm nước giếng là vậy. Thế thì đời thật muôn màu. Có điều, nói thế không có nghĩa là mình cứ tào lao, vô trách nhiệm trong hành xử của bản thân. Đã nói giá trị là nói đến văn hoá ứng xử của bản thân ấy. Người khác sao không biết, tôi thì cố gắng thế này. Chia sẻ xem các bạn có ứng dụng được không.
1. Ask questions – Đặt câu hỏi: tôi thích quan tâm đến người khác, nên gặp ai mới tôi cũng đặt câu hỏi tìm hiểu về họ. Hỏi tới tới luôn vì thấy những gì người khác chia sẻ thật là thú vị. Mỗi cuộc đời, sự nghiệp của một con người là một bài học cho chính bản thân mình. Có lẽ vì vậy nên cuộc đối thoại đầu tiên thường diễn ra suông sẻ. Chẳng qua là vì ta thật sự quan tâm đến người khác thôi. Ai mà chẳng thích được người khác quan tâm phải không?
2. Stay away from the phone – Tránh xa điện thoại: bạn có bao giờ đang ngồi đối thoại với ai mà 5 phút người ta check điện thoại một lần hông? Tôi gặp nhiều người vậy lắm á. Bạn thấy mất hứng và khó chịu không? Vậy thì đừng làm thế với người đối diện mình nhé.
3. Be genuine – Sống chân thành: cứ đơn giản, chân thành, nói thật là người ta thích thôi. What comes from the heart goes to the heart – Điều gì từ trái tim sẽ đến với trái tim. Bởi vậy tôi nản mấy người lòng vòng, hoa mỹ, chém ì xèo lắm. Có gì cứ thật thà, thiệt tình nói ra. Không biết thì nói không biết. Người ta sẽ dạy cho. Ai sao chứ tôi thì vậy đó. Nên đi đâu người ta cũng cố hết sức để dạy tôi, hướng dẫn tôi, cho tôi nhiều hơn những gì tôi cần. Đoạn này Việt Nam đang khó lắm nè. Có nhiều người ngồi nói cả buổi. Xong tôi hỏi “What do you actually want? Thật ra là em muốn gì? Kể chuyện thì cũng vừa vừa thôi. Kể gì mà như tung hoả mù, mệt chết. Đơn giản đi. Nói thật đi. Dễ xử!
4. No judgment – Đừng đánh giá: Con người mình bạn biết không có một bao tải các trải nghiệm quá khứ. Ai cũng vậy hết. Bạn lượm lặt chúng từ thời bắt đầu ý thức về cuộc sống và xã hội. trong bao tải đó có thứ tốt, có thứ xấu, có thứ bạn biết, có thứ bạn đã quên nhưng nó vẫn còn nằm yên đó đợi thời cơ. Cho nên, khi nghe người khác nói, não bạn sẽ bò vào cái bao tải này và tìm những thông tin, trải nghiệm liên quan mà so sánh, đánh giá người khác. Người ta chưa làm gì, mới nói vài câu, tự nhiên mình đã ghét. Mà bạn cũng chả hiểu tại sao mình ghét họ. Chẳng qua là do mớ ký ức trong cái bao tải to đùng đó mà thôi. Cho nên, lắng nghe thôi. Tập thói quen khi nghe không quýnh giá ai. Muốn thế thì có môn gọi là mindfulness – nhận thức chính hành động, thái độ, cảm xúc của bản thân mình. Đừng để cho cái máy tính có processor cực mạnh là não tự chạy tìm thông tin kiểu big data, rồi tự ra ý kiến mà không thông qua mình nhé. Stay open-minded – Giữ cho đầu óc mở. Mọi sự sẽ dễ dàng hơn.
5. Don’t seek attention – Đừng tìm kiếm sự chú ý: người đời ghét ai chực chờ cơ hội chơi nổi, làm đủ thứ cho người khác chú ý. Chỉ cần thân thiện, quan tâm đến người xung quanh là đủ rồi. Chẳng phải biết nhiều người là được người ta thích. Thái độ và hành xử của bạn đối với từng người mới là quan trọng. Đừng cố quá! Cứ từ từ bình tĩnh quan tâm và đối thoại với từng người.
6. Be consistent – Luôn hành xử đồng nhất: Chuyện này khó nè. Lỡ chém quá trên facebook rồi, ra đời thiệt không giống chút nào thì khó lắm. Bản thân ta cũng có thương hiệu cá nhân vậy. Mà đã là thương hiệu thì phải có tính cách đồng nhất với tất cả mọi người chứ. Gặp người này khác, người kia khác. Online khác, offline khác. Làm người ta confused – bối rối thế ai mà biết phải thích hay không thích bạn? Cứ là mình, cứ ở đâu làm gì cũng là mình là khoẻ nhất. Khỏi phải nhớ tính cách nhân vật mà bản thân thêu dệt cho đúng kịch bản. Diễn sai một cái thì hỏng bét.
7. Greet people by name – Nhớ và gọi tên người khác: nói chuyện mà không biết tên người ta, thì bảo sao ai thích. Ai cũng muốn được quan tâm và việc nhớ tên và sử dụng tên riêng trong khi đối thoại là bằng chứng mạnh mẽ nhất về việc bạn có quan tâm. Cái này nhiều khi phải tập nhe. Hơi mệt não nhưng mà là kỹ năng quan trọng đấy.
8. Smile – Mỉm cười: nụ cười là chìa khoá kết nối. Con người thuận theo tự nhiên là luôn nhìn và bắt chước theo hành vi người đối diện. Người ta cười thì system của mình tự động muốn cười lại à. Thử đi!
Cuối tuần thử gặp vài người, thử vài cách xem sao? Chúc cả nhà cuối tuần nhiều niềm vui nhé.
Comments