top of page

Trả lời phỏng vấn với Thời báo kinh tế Sài gòn về thị trường bán lẻ Việt Nam


TBKTSG: Thị trường Việt Nam hiện nay đã tràn ngập hàng hóa nhập khẩu. Người tiêu dùng hoặc thích hoặc bị buộc dùng hàng nhập vì không có sản phẩm Việt Nam tương tự về giá để thay thế. Vì sao có tình trạng này? - NGUYỄN PHI VÂN: Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, phát triển từ nền tảng kinh tế hộ gia đình. Với lợi thế về quan hệ, hiểu biết nhu cầu tiêu dùng và phương thức kinh doanh của người dân địa phương, sự “phất” lên của nhiều doanh nghiệp được xem là sự phát triển tự nhiên, không cần có sự can thiệp nhiều về chiến lược hay kế hoạch. Thước đo phát triển của các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng được tính bằng độ mở ra thị trường mới thông qua hình thức thiết lập kênh phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cả nước. Cũng chính vì mải mê phát triển tự nhiên, hầu hết doanh nghiệp chưa có sự quan tâm xây dựng giá trị cốt lõi và nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đến khi thị trường mở cửa, họ không có đủ năng lực cạnh tranh.

TBKTSG: Có luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân còn do Chính phủ không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như nhà bán lẻ trong nước? - NGUYỄN PHI VÂN: Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức và doanh nghiệp Việt đang chới với vì thiếu tri thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn quen tư duy ngắn hạn, chỉ tập trung phát triển doanh số và kênh phân phối, thiếu quan tâm đến các vấn đề nền tảng quản trị, thiếu tầm nhìn và mục tiêu dài hạn. Phía Nhà nước cũng thiếu chiến lược phát triển kinh tế dài hạn và bền vững. Thấy rất rõ là chúng ta thiếu chính sách hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho DNNVV - đối tượng chiếm 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp hơn 40% vào GDP quốc gia. Trong khi đó, các nước trong khu vực đã bắt đầu trước ta từ rất lâu. Đơn cử dự án hỗ trợ SPRING của Singapore: hơn 10 trung tâm hỗ trợ DNNVV đã được triển khai tại nhiều nơi, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp. Mỗi trung tâm đều có một đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp ở nhiều lĩnh vực, từ pháp lý đến tài chính, sáng tạo, công nghệ, phát triển thị trường quốc tế...

TBKTSG: Trong cuộc cạnh tranh hiện nay, đâu là thế lực lớn nhất đang đánh dạt hàng Việt ngay trên sân nhà? Phải chăng đó là hàng Thái với sự hậu thuẫn của các ông tỉ phú đã mua lại các chuỗi Metro, Big C và trước đó đã mua nhiều nhà sản xuất? - NGUYỄN PHI VÂN: Xét riêng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì Thái Lan là thị trường có nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng tương đồng nhất. Người Thái đã nắm bắt cơ hội từ AEC để vươn nhanh và mạnh vào thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia. Việc các đại gia bán lẻ Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam là hệ quả tất yếu của chiến lược định vị và phát triển. Chúng ta không thể trách họ. Ngược lại, chúng ta phải khâm phục họ vì đã có sự chuẩn bị tốt, có chiến lược rõ ràng và sự triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Nếu trách, ta phải tự trách mình vì thiếu tầm nhìn và chiến lược.

TBKTSG: Liệu Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì lúc này để thay đổi cục diện? - NGUYỄN PHI VÂN: Theo tôi, “thời cơ vàng” đã qua để có thể làm những điều bài bản, nhưng chưa quá muộn. Rất may là thế giới đang trải qua thời đại của thông tin, thời đại mà tập đoàn bán lẻ giá trị nhất trên thế giới không sở hữu một kho hàng hóa nào. Khi Alibaba qua mặt Walmart và trở thành tập đoàn bán lẻ đứng đầu thế giới, đó là khi trật tự ngành nghề, trật tự thế giới truyền thống có thể bị lật đổ, hoặc tái định nghĩa bằng công nghệ. Nếu có thể tạo ra một sự đột phá trong kênh tiếp cận qua công nghệ, qua các hình thức phi truyền thống, cơ hội vẫn còn nhiều. Có điều, muốn làm được như thế, chúng ta cần một người lãnh đạo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có tầm nhìn, có tri thức, có tư duy đột phá, và có một trái tim, một ngọn lửa cháy bùng trong tim khi nghe hai tiếng “Việt Nam”.


47 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page