top of page

VĂN HOÁ DỮ LIỆU - DATA-DRIVEN CULTURE

Đã cập nhật: 14 thg 1, 2022



Từ này không mới, vì ai đang điều hành doanh nghiệp ứng dụng tech, đã và đang chuyển đổi số hay doanh nghiệp cốt lõi là tech đều hiểu rất rõ vai trò của dữ liệu đối với việc quản trị và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, văn hoá dữ liệu vẫn còn là từ khoá gây lúng túng đối với người đi làm chưa bắt kịp xu hướng mới và các chủ doanh nghiệp chưa có cơ hội chạm vào vấn đề chuyển đổi số và dữ liệu. Văn hoá dữ liệu nghe nó xa xôi, tương lai, và có vẻ không biến thành cơm ăn được. Do đó, nếu còn làm việc và kinh doanh được, nếu còn tồn tại được trong vị trí và vai trò mình đang nắm giữ, người ta sẽ không quan tâm đúng và đủ đến dữ liệu. Hoặc giả có quan tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.


Muốn có văn hoá dữ liệu, trước hết phải có dữ liệu

Trước hết, đừng hiểu theo nghĩa sơ đẳng dữ liệu nghĩa là bạn có email và số điện thoại của khách hàng trên một file excel. Thu thập được tới đó, hoặc có nick của họ qua FB chỉ là điều đầu tiên và cơ bản nhất. Cách hiểu dễ nhất và hệ thống nhất là dữ liệu được thu thập tự động hoặc bán tự động hoặc kết hợp nhiều cách về một đối tượng, ghi nhận toàn bộ hoạt động, tương tác và hành vi theo thời gian thực, một cách được sắp xếp có hệ thống, giúp tạo ra hiểu biết có ích về đối tượng đó. Ví dụ lấy 1 người khác hàng làm đối tượng, thì dữ liệu về khách hàng đó sẽ là toàn bộ hồ sơ cá nhân của họ, như họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ, tài khoản FB, google, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vv. Ngoài dữ liệu cá nhân, tuỳ vào sản phẩm, dịch vụ, cách tương tác mà dữ liệu ghi nhận tiếp theo với khách hàng có thể là lịch sử log in hệ thống, lịch sử mua bán đổi trả, lịch sử thanh toán và hình thức thanh toán, lịch sử tương tác như gọi điện thoại, email, nhắn tin, vv. Toàn bộ các dữ liệu về một người khác hàng đó phải được ghi nhận và sắp xếp thống nhất trong một nhà kho chung, theo thời gian thực, trong từng ô dữ liệu đã thiết kế trước, và có thể tiếp cận bất cứ khi nào cần.


Nếu lấy ví dụ về 1 nhân sự thì tương tự, toàn bộ dữ liệu của nhân sự đó cũng cần được ghi nhận từ thông tin cá nhân đến đơn xin việc, bằng cấp, kết quả phỏng vấn, vv. Sau đó là lịch sử làm việc của nhân sự tại công ty, ví dụ như lịch sử thử việc & trở thành nhân sự chính thức đã ký HĐ lao động, lịch sử tham gia huấn luyện, lịch sử thi sau khi được tham gia huấn luyện, các chứng chỉ liên quan được cấp, lịch sử lương và phụ cấp, lịch sử giao nhận và hoàn thành công việc được giao, lịch sử khen thưởng kỷ luật, vv. Như vậy, chỉ mới nhắc đến 1 đối tượng thôi, chúng ta đã đang nói về vô số điểm dữ liệu xuất hiện trên hành trình hoạt động và tương tác của họ với doanh nghiệp hàng ngày, hàng giờ trong suốt thời gian tài khoản còn kích hoạt. Cũng vì vậy, đừng dừng lại với 1 nhóm bạn chung trên FB hay Zalo. Cũng đừng dừng lại ở một cái excel sheet rồi nói là mình có dữ liệu. Khi dữ liệu rời rạc, không được đổ về một nhà và sắp xếp trật tự thì có cũng như không, chả mần ăn được gì.

Nỗi khổ của tổ chức không có văn hoá dữ liệu

Khi lãnh đạo chả hiểu gì về tech, về chuyển đổ số, về mô hình kinh doanh số, về sự dịch chuyển của hàng hoá vật lý sang hàng hoá số, tổ chức đó xem như hết thời. Một tổ chức chỉ có thể phát triển đến kích cỡ và kiến thức của người lãnh đạo mà thôi. Lãnh đạo học và biết tới đâu, tổ chức phát triển tới đó. Lãnh đạo không hiểu tại sao cần dữ liệu thì thu thập dữ liệu còn không biết, nói chi đến xây dựng văn hoá dữ liệu. Bên cạnh đó, giả sử tổ chức có người hiểu và triển khai chuyển đổi số, có công cụ và dữ liệu, nhưng lãnh đạo không rành, chỉ xem đó như một cái task cần làm chứ không phải là nền tảng phát triển của tổ chức thì tổ chức đó sẽ xà quần mãi, gì cũng có nhưng chả phát triển được.


Ngược lại, nếu lãnh đạo hiểu biết, triển khai chuyển đổi số sớm, hiểu tầm quan trọng của dữ liệu nhưng không truyền được cảm hứng và hiểu biết này cho đội ngũ thì có cũng bằng không, vì tech hay dữ liệu cuối cùng cũng chỉ là công cụ. Không có người sử dụng công cụ thì có cũng vô ích. Không có người hiểu về tầm quan trọng và ứng dụng của dữ liệu nhằm tối ưu hoá vận hành, xây dựng kênh doanh thu mới, kênh tiếp cận mới, giữ chân khách hàng và nhân viên, tăng cường trải nghiệm khách hàng, vv, thì nguyên cái nền tảng tech đắt tiền cách mấy đó cũng là vô nghĩa. Lãnh đạo cần biết cách xây dựng văn hoá số, văn hoá dữ liệu, biến nó thành chuyện thường ngày trong vận hành của doanh nghiệp, tổ chức đến từng nhân sự một. Không thì giống như mua chiếc Rolls-Royce mà không biết lái xe, chỉ lâu lâu chụp hình tự sướng.


Sự thua thiệt của người đi làm không hiểu về dữ liệu

Thực tế đau lòng là, tại một số doanh nghiệp trong hồ sơ đầu tư của mình, quyết định thay nhân sự đã phải được đưa ra dựa trên khả năng hiểu, nắm bắt và sử dụng dữ liệu. Với một doanh nghiệp lấy tech và chuyển đổi số làm trọng tâm cho sự phát triển thì sớm muộn gì chuyện này cũng xảy ra. Bạn không thể không nói củng ngôn ngữ, vận hành củng nguyên tắc, sáng tạo cùng nền tảng với người khác, phòng ban khác trong tổ chức được. Nếu người ta đã biết cách tư duy, xây dựng, sử dụng dữ liệu trên nền tảng số mà bạn vẫn cứ excel muôn năm thì sẽ đến lúc bạn trở thành con khủng long. Nếu người ta đã thay đổi cách tiếp cận agile - linh hoạt nhờ vào dữ liệu real time - thời gian thực mà bạn vẫn cứ 3 tháng ngồi xóc hồ sơ một lần và căn cứ vào phán đoán của bộ não hay cảm tính của mình thì chính đồng nghiệp sẽ loại bạn chứ không cần tới công ty. Khi văn hoá dữ liệu đã tràn vào mạch máu của từng nhân sự và phòng ban, bạn trở nên irrelevant - không liên quan trong cơ thể đó nếu bản thân không học hỏi và hội nhập.


Sự thật đau lòng là, rất rất nhiều người đi làm đang chúi mũi vào công việc hiện tại và quên kết nối với tương lai, nên không kịp phản ứng với văn hoá dữ liệu, sợ hãi nó, hoặc thờ ơ nghĩ rằng nó còn xa lắm. Sorry! Nó ở ngay dưới chân bạn đó, và nó sẽ quyết định bạn nên ở lại hay ra đi khi tổ chức và đội ngũ hoà mình tự nhiên vào thứ văn hoá này. Bạn có thể đi tìm môi trường analog để khỏi phải bị loại khỏi cuộc chơi số. Có điều, tổ chức analog sẽ chết dần theo năm tháng, và kết thúc chẳng mấy xa. Rồi còn chỗ cho mình chạy không? Bạn hãy tự hỏi mình câu đó.


Chưa bao giờ mà thị trường lao động và thế giới số lại tạo áp lực lớn đến như vậy lên từng lãnh đạo, doanh nhân, nhân sự bằng sự tăng tốc choáng váng của chuyển đổi số. Và đó cũng là lý do vì sao mới người chúng ta phải tự hỏi bản thân mình có còn liên quan trong văn hoá số của tổ chức hay không, dù là tổ chức hiện tại hay tương lai, vì tương lai chắc chắn không thuộc về những ai không hiểu đúng và đủ về thế giới số và văn hoá dữ liệu.


6.801 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page