top of page

WAWASAN 2020


Có một cái duyên gì đó với Mã lai không biết. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên mà tôi từng đến từ cái thời còn mười tám đôi mươi. Rồi cứ qua qua lại lai đã mười mấy năm nay, đi với cái tinh thần như là đi về nhà vậy. Luôn luôn là những con người nhiệt tình, thân thiện. Luôn luôn là sự trao đổi, sẻ chia hết sức hoà bình. Và nhiều tiếng cười, nhiều câu chuyện vui đong đầy theo năm tháng.


Chuyện bây giờ mới kể

Năm đó là sinh viên năm thứ nhất, chẳng biết trời trăng gì nhưng hừng hực dòng máu Lạc Hồng. Nghe nói có chương trình trao đổi sinh viên, thế là chạy bằng được một ít tiền tài trợ để lên đường tìm hiểu về thế giới. Đi trao đổi sinh viên thì đâu có bao nhiêu tiền nên đến nơi thì ăn ngủ và giao lưu tại ký túc xá trường, đại học Malaya. Tối đó là tiệc chào mừng. Tôi thả bộ xuống sảnh chờ hăng hái giao lưu. Nói rất nhiều và trao đổi huyên thuyên, nhưng đến hôm nay chỉ còn nhớ có mỗi một câu nói trong cái đêm hôm đó. Câu nói như mũi kim xăm vào từng mạch máu, câu nói ám tôi cả một chặng đường dài.


“Sài gòn ngày xưa là hòn ngọc Viễn đông. Còn Việt nam bây giờ thua xa Mã lai rồi bạn”.


Lần đầu tiên ra thế giới. Lần đầu tiên kết bạn với giới trẻ nước ngoài. Vậy mà bị tát một ca nước lạnh như thế này vào mặt. Tức, giận, máu chạy từng cơn lên đầu, nhưng miệng thì cứ im thin thít. Thì đúng là như vậy còn gì. Nói làm sao?



Ảnh: Toà nhà Petronas Twin Towers nổi tiếng tại Kuala Lumpur


Mấy năm sau này, khi được chính phủ Mã lai mời làm diễn giả tại các hội nghị quốc tế tại đây, tôi chẳng bao giờ từ chối. Phải quay lại. Phải trở về và ngẩng cao đầu. Việt nam đến giờ vẫn chưa thể nào sánh với Mã lai, nhưng từng người Việt nam chúng ta có lẽ phải bắt đầu xoá đi ranh giới quốc gia và bước ra với tầm vóc khu vực và quốc tế. Đây là câu chuyện của một người, nhiều người, một cộng đồng để làm cho hình ảnh Việt nam mình sáng lên trong mắt bạn gần xa.

Đầu tư giáo dục

Để trở thành điểm đến về giáo dục và đầu tư vào kinh tế tri thức cho nước nhà, chính phủ Mã lai đã chi tiêu 7.6% tổng GDP năm 2014 vào giáo dục. So sánh nhé. Tỷ lệ này ở các nước đã phát triển như Singapore là 4.3%, ở Hàn quốc là 3.3% trong năm 2014.


Xa lộ 2020

Nói đến Mã lai mà tìm cái nhất thì chẳng cái gì là nhất. Cái gì nó cũng bình bình, đều đều, không đột phá như Singapore, Hong Kong, nhưng cũng chẳng bị bỏ xa như Việt nam, Miến điện. Nhưng cũng chính nhờ cái bình bình, đều đều như thế mà họ đi về tầm nhìn 2020 một cách rất khoan thai. Họ có một mục tiêu, gia nhập câu lạc bộ thu nhập cao của thế giới vào năm 2020 sắp tới. Làm được không ta? Năm 1963 tổng thu nhập đầu người tại Mã lai là 300 đô la. Năm 2014 con số này là 10.808 (Việt nam 1.628 đô la). Mục tiêu tổng thu nhập đầu người 15 ngàn đô la / năm đến năm 2020, một con số xem ra có thể là đạt được. Dự đoán khi họ chạm vào cái con số 15 ngàn đô la đó, Việt nam mình sẽ chạm mức 2 ngàn. Ái dà, đường còn dài, dài lắm!



Ảnh: Melaka – Một thành phố giàu văn hoá của Mã lai.


Và trên xa lộ 2020 mà họ đang đạp ga tăng tốc, không chỉ có một muc tiêu là con số 15 ngàn. Họ nói thế này: “Mã lai không chỉ phát triển về kinh tế. Mã lai phải trở thành một quốc gia hoàn toàn phát triển về mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, tinh thần, tâm lý, và văn hoá”. Cũng không đáng ngạc nhiên phải không? Sự phát triển phải gắn liền đến mọi mặt đời sống từ vật chất đến tinh thần, từ thân đến tâm thì mới có thể gọi là phát triển. Nếu chỉ vật chất, tiền tài thì khác nào cái kiềng chỉ có một chân. Họ nói thế nghe hay. Nói thế nghe hợp lý. Có điều tôi không tin vào những điều người ta nói cho đến khi tôi được tham dự vào một phần trong cái kế hoạch mà họ triển khai.


Tha hồ đọc sách

Mã lai đang triển khai các câu lạc bộ đọc sách trong và ngoài hệ thống trường học, các hội thảo và nhóm xúc tiến chương trình đọc sách. Khắp nơi trên đất nước, thư viện sách mọc lên như nấm và tập trung vào viêc hướng dẫn trẻ em đọc sách tiếng Anh. Đây là một trong những hoạt động hướng về việc hội nhập người dân Mã lai vào cộng đồng quốc tế.


Tháng 5/2015, họ mời tôi về làm diễn giả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mã lai. Mục tiêu rất rõ ràng. Phải nâng cao tri thức và kỹ năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể xuất khẩu thương hiệu Mã lai qua hình thức nhượng quyền. 2 bộ trưởng mở đầu hội nghị. Họ nói về kế hoạch thứ 11 của thủ tướng để biến Mã lai thành nền kinh tế dịch vụ và tạo ra giá trị cao hơn. Qua rồi cái thời thu hút sản xuất chỉ nhờ vào mức lương tối thiểu. Chủ đề của kế hoạch thứ 11: “Lấy con người làm nền tảng phát triển” (Anchoring growth on people). Vì sao ư? Vì con người là nền tảng của một quốc gia. Vì tương lai là nền tảng tri thức. Vì tăng trưởng và phát triển là để cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Và họ đưa ra 4 mục tiêu mà Mã lai cần phải đạt được trong kế hoạch hành động 18 tháng.

1.Triển khai hành động hiệu quả với chỉ số KPI tương ứng (KPI = key performance indicator – chỉ số đo lường hiệu quả). Tôi thích cái này vì đây không chỉ là nói cho có, nói chung chung.

2.Tập trung vào nguồn vốn con người

3.Đột phá để phát triển (game-changers)

4.Tầm nhìn dài hạn: không chỉ dừng lại ở 2020 mà còn xa hơn thế nữa.



Ảnh: Langkawi – Một hòn đảo nổi tiếng về du lịch tại Mã lai.


Với mong muốn đưa Mã lai lên một tầm cao mới, họ tập trung phát triển ngành dịch vụ với mục tiêu nâng cao giá trị của ngành. Họ đề ra 5 chiến lược để thực hiện mục tiêu này.

1.Xây dựng môi trường năng động cho các ngành dịch vụ dựa vào tri thức bằng cách phát triển nguồn vốn nhân lực và đầu tư vào công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển (R&D).

2.Triển khai chương trình cải cách hệ thống quản trị quốc gia

3.Khẳng định vị thế quốc tế bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ ra khu vực và thế giới. Hỗ trợ bao gồm cho vay tài chính, đầu tư đào tạo và huấn luyện, chia sẻ thông tin nghiên cứu thị trường.

4.Nâng cao việc quản trị các chương trình khuyến khích đầu tư: hiệu quả hơn, minh bạch hơn, và có đo lường bằng kết quả.

5.Phát triển và mở rộng cách ngành dịch vụ hiện đại có giá trị cao hơn như ngành công nghiệp halal, ngành du lịch sinh thái, và ngành công nghệ máy tính.


Tất cả bắt đầu từ con người. Tất cả bắt đầu từ nhân lực để xây dựng một nền kinh tế dựa vào tri thức. Lặng người. Bình bình, đều đều, họ đầu tư vào tri thức. Chứ cứ vinh vào việc chạy mánh kiếm tiền như mình thì rồi sẽ đến đâu và làm sao để bước ra thế giới tri thức ngày nay?


Nâng cấp

Người dân Mã lai hiện nay rất tập trung vào việc nâng cấp kỹ năng và bằng cấp để chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập vào thị trường khu vực. Báo cáo The Kelly Global Workforce Index (chỉ số lao động toàn cầu) cho thấy người Mã lai rất quan tâm đến việc xây dựng “thương hiệu cá nhân” để tạo sự khác biệt cho mình trên thị trường lao động khu vực và thế giới. Theo báo cáo có 69% thế hệ Y sẵn sàng tự bỏ tiền để học hỏi nâng cao kỹ năng và 80% tin rằng họ cần phải làm mới chính mình để bước vào tương lai một cách tự tin và vững chãi.


Những ngày sau đó, tôi tham gia vào chương trình đánh giá và tuyển chọn doanh nghiệp tiềm năng để xuất khẩu thương hiệu ra thế giới. Tôi được mời tham gia vì chính phủ xác định nhượng quyền là một trong những chiến lược xuất khẩu thương hiệu dễ dàng và hiệu quả cho các doanh nghiệp Mã lai. Tại hội nghị, thủ tướng Mã lai công bố quỹ hỗ trợ xuất khẩu thương hiệu qua hình thức nhượng quyền 44.7 triệu đô la. Quỹ này sẽ đượvc sử dụng vào việc nâng cao tri thức và năng lực cho 773 doanh nghiệp nhượng quyền trong nước với mục tiêu xuất khẩu các thương hiệu này ra khu vực và thế giới. Năng lượng quốc gia dồi dào. Tinh thần quốc tế đẩy người ta ào ào về phía trước. Những người được chọn, họ là những doanh nhân hiểu biết và khiêm tốn. Dù doanh nghiệp đã có đến hàng trăm cửa hàng tại thị trường nội địa, họ háo hức lắng nghe và thực hiện theo yêu cầu tái cấu trúc để vươn lên. Phục! Và họ hỏi. Và họ háo hức muốn được học và nâng cao cái tầm quốc tế cho mình. Hơn hay thua thật ra là chổ đó. Nếu luôn học hỏi và làm mới chính mình, 50% đoạn đường chưa đi đã đến. Wawasan 2020 – Tầm nhìn 2020, họ thân đang bước đi mà tâm như đã đến.


Bước ra thế giới

Một nghiên cứu của công ty tư vấn Archer Bahari tại Mã lai cho thấy 90% người dân Mã lai muốn làm việc ở nước ngoài, trong đó có 49% đang tích cực tham gia tìm việc trong khu vực.


Trích chương 15 - Wawasan 2020 - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân

653 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page