top of page

ẤN ĐỘ - ĐẠO CỦA VŨ TRỤ


Hàng triệu người trên thế giới đổ về đây để tìm lại chính mình. Hàng trăm ngàn người từ đây lại túa ra thế giới để tìm kế sinh nhai. Kẻ đến, người đi, tất cả đều lao xao tìm kiếm. Còn tôi đứng bên đường bối rối, lặng im. Tìm cái chi và tìm đến bao giờ?


Ấn độ là như thế đó, những mảnh đời không khớp.


Họ gì?


Nếu họ là Acharya, người đó thuộc dòng dõi bậc thầy về tôn giáo.


Nếu họ là Gupta, đây là quyền lực của dòng dõi thống trị muôn dân.


Nếu họ là Tandon, nguồn gốc tổ tiên là những chiến binh vĩ đại.


Họ của một người thế hiện nguồn gốc địa lý và giai cấp xã hội tương ứng ở Ấn độ. Và từ ngàn xưa, “giai cấp” đã được chia ra hết sức rõ ràng. “Giai cấp” quy định ai thực hiện những chức năng gì và có quyền hạn thế nào trong xã hội. Có tất cả là 4 giai cấp.


Brahmana (hay Brahmin): là tầng lớp giáo dục, hướng đạo, là những người nắm giữ và lưu truyền tri thức

Kshatriya: tầng lớp chính quyền tham gia vào các vấn đề hành chính & giữ gìn luật pháp cộng đồng.

Vaishya: tầng lớp làm ăn, kinh doanh

Shudra: tầng lớp lao động chân tay trong xã hội



Ảnh: Taj Mahal – lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng do vua Shah Jahan xây dựng năm 1632 cho người vợ yêu dấu của mình là Mumtaz Mahal. Taj Mahal được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới.


Giai cấp nào thì tương tác trong tầng lớp ấy. Mỗi người phải tuân theo định mệnh của mình. Nhưng thảm nhất thì phải kể đến những kẻ bị loại ngay từ vòng đầu trong cái “hệ giai cấp” như trên. Họ bị gọi là những kẻ “không nên chạm vào”, những kẻ không được xếp vào giai cấp nào và bị bỏ rơi bên lề xã hội, chỉ để làm những công việc ô uế mà thôi. Mặc dù hiến pháp Ấn độ đã thẳng thừng xóa bỏ sự bất công về hệ giai cấp từ những năm 1950, nhưng cho đến ngày nay, dù không ai nói ra nhưng hệ giai cấp này vẫn còn tồn tại. Phân biệt đối xử vẫn ngấm ngầm trong từng mạch máu xã hội, và 160 triệu người dân thuộc tầng lớp “ô uế” vẫn đang hàng ngày chống chọi với cái định mệnh đã dán tem trên trán mỗi người từ khi mới sinh ra. Chuyện xưa từ 2.000 năm trước công nguyên mà ta. Sao đến hôm nay trong câu chuyện của tôi và Utkrisht, một người bạn sinh sống ở Dehli thuộc dòng dõi “ngoại tộc” vẫn cứ đầy nỗi uất ức như là chuyện của hôm qua?


Không miễn visa

Tổ chức vận chuyển hàng không thế giới cùng với công ty tư vấn Henley & Partners đã công bố một nghiên cứu cho thấy passport Ấn độ là một torng những passport hạn chế nhất vì chỉ được miễn visa vào 52 nước mà thôi (nhưng mà còn hơn Việt nam 47 nước). Trong khi đó, các passport châu Âu có số nước miễn visa đến gấp 3 lần. Người ta cho rằng lý do chính là vì người Ấn độ hay lợi dụng visa du lịch để mà đi làm việc.



Ảnh: nhà ổ chuột ở Ấn độ


Disneyland tâm linh

Có lẽ cũng chính từ sự cùng cực, khổ đau, và dằn xé của một quốc gia giai cấp mà Ấn độ lại chính là cái nôi của những tôn giáo lâu đời, trong đó lâu đời và hùng mạnh nhất thì phải kể đến đạo Hindu, là đạo giáo chính của 80% người dân Ấn độ. Cơ bản của đạo Hindu cho rằng chỉ có một đấng tối cao (Brahma, đấng sáng tạo) và hai vị thần vĩ đại là Vishnu (thần bảo vệ) hay Shiva (thần huỷ diệt). Cả ba kết hợp thành vòng tròn của bánh xe luân hồi trong đạo Hindu. Tuy nhiên, vì mỗi người tương tác với thánh thần theo những cách khác nhau, do đó dưới hai vị thần vĩ đại lại có biến thân của vô vàn vị thánh. Có tổng cộng là 330 triệu vị. Và tôi đã có lần đi cúng thần Hanuman (thần khỉ) đúng ngày vía thần khi tình cờ đi bộ ngang đền trên đường về khách sạn. Người dân nô nức, cúng bái ì xèo, quán hàng san sát. Ngồi vẽ henna, vui như trẩy hội. Vẽ henna là để làm gì biết không? Ý nghĩa là biểu hiện sự ngộ đạo đấy (hình mặt trời trong lòng bàn tay). Sau này henna trở thành thời trang. Người ta vẽ đủ kiểu dáng cho kul và cho đẹp.




Ảnh: Vẽ henna theo thiết kế Ấn độ


Cũng có lẽ vì cái gốc lâu đời của đạo Hindu mà người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây đi tìm chân lý. Từ Varanasi đến Rishikesh, những linh hồn lạc lối đi chật cả đường. Người ta đi tìm những vị thầy guru giúp mở luân xa và kết nối với tâm linh. Người ta check in vào các đạo viện (ashram) để học yoga và tìm hiểu pháp. Người ta đi tìm chiêm tinh gia để hỏi về tương lai và quá khứ. Người ta book tour để diện kiến thánh thần. Có thể gọi Ấn độ là cái chợ tâm linh. Sang có, hèn có. Thiệt có, gỉa có. Giúp có, lừa có. Đạo có, kinh doanh có. Không là cái chợ thì là cái gì? Hay hơn thì có thể gọi là Disneyland tâm linh của thế giới. Và chính phủ Ấn độ cũng hiểu tầm quan trọng của chiến lược này, du lịch tâm linh.


Liệu pháp ma cà rồng

Tại Ấn độ đang có dịch vụ làm đẹp thịnh hành bằng máu người, đặt tên là liệu pháp làm đẹp “ma cà rồng”. Shweta Singh, một phụ nữ Ấn độ 2 con cho biết: “Hồi đầu tôi còn sợ. Sau đó nghĩ lại có gì đâu là đáng sợ. Mình xài máu của mình mà. Còn hơn là xài hoá chất.” Một liệu pháp “ma cà rồng” như vậy có giá 408 đô la căng da vùng dưới mắt và khoảng 1000 đô la nếu làm cả mặt.


Đi khắp chân trời góc bể, đọc và trải nghiệm đạo giáo với những người bạn trên tất cả các vùng miền, tôi cho rằng đạo nào cũng tốt như nhau, cũng dựa trên một nền tảng chung là dạy con người ta sống lương thiện, tử tế, và có lòng trắc ẩn. Nền tảng và mục tiêu là như thế. Còn bạn làm sao để giữ mình, làm sao để tưới tẩm hạt giống thiện của mình là chuyện của mỗi cá nhân. Tôi đã gặp và trò chuyện với bao nhiêu người của nhiều đạo giáo khác nhau. Đâu có ai là xấu mà cũng đâu có ai vì có theo đạo mà đương nhiên là tốt. Chuyện bạn theo đạo hay không theo đạo, chuyện bạn theo đạo gì cũng chỉ là tấm áo bên ngoài. Sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người có đạo hay không, hành vi hàng ngày của mỗi người có đạo hay không, đó mới là câu chuyện. Đạo ở trong tôi. Còn tôi ở đâu không có gì quan trọng.




Ảnh: Thành phố tâm linh Rishikesh


Đời & đạo

Người đời thì đổ về Ấn độ, mong tìm lại cho mình sự cân bằng giữa vật chất với tâm linh. Còn người Ấn độ thì sao?


Với tổng thu nhập GDP đầu người 1.429 đô la năm 2014, Ấn độ là nước có GDP đầu người thấp nhất trong khu vực châu Á, chỉ trên có Pakistan. Cũng vì vậy mà mặc dù dân số đứng thứ 2 trên thế giới sau Trung quốc (Ấn độ 1.26 tỷ, Trung quốc 1.36 tỷ), Ấn độ lại là thị trường đứng thứ 9 trên toàn thế giới. Kinh tế khó khăn, hệ thống giai cấp, Ấn độ lâm vào tình trạng chảy máu chất xám, với một số lượng lớn trí thức bỏ ra nước ngoài tìm công việc và điều kiện sống tốt hơn. Năm 2009, con số này là 529.500 người, giảm còn 196.700 năm 2014 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên dự đoán đến năm 2030, con số này sẽ lại tăng lên thành 265.700 người khi kinh tế thế giới phục hồi. Nhờ vậy mà tiền gởi của Ấn kiều về gia đình dẫn đầu trên thế giới (70.4 tỷ đô la năm 2014. Việt nam: 12 tỷ đô la và xếp hạng thứ 11). Người từ đất tâm linh thì lại bỏ ra đi.


Người đi được đã đành, người ở lại không có gì là sáng sủa. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới 76% trong 1.26 tỷ dân Ấn độ sống qua ngày với ngân sách chi tiêu dưới 2 đô la. Mumbai, thành phố lớn nhất của Ấn độ, hiện có 7.6 triệu người (40% dân số) đang sinh hoạt trong những khu nhà ổ chuột dơ bẩn và rách rưới.


Ấn độ có 38.8 triệu người thất nghiệp, nghĩa là hơn số dân của cả nước Canada. Trên 30% tổng dân số Ần độ thì mù chữ (Việt nam chỉ có 5.8%), nhưng họ lại có cái kỹ năng độc quyền này hay lắm, kỹ năng “binge viewing”. Cái này nghĩa là xem đồng thời nhiều tập của cùng 1 bộ phim. 600 đài và nhiều loại chương trình, cũng vì vậy mà tham lam coi cho nhiều tập trong cùng một lúc.


Kinh tế thì vậy đó. Cuộc sống thì vậy đó. Cho nên cái nôi tâm linh chỉ nuôi dưỡng tâm hồn cho khách du lịch mà thôi. Người bản xứ còn lo kiếm việc, kiếm tiền, nếu không bỏ xứ thì cũng đạp lên nhau mà chạy. Chắc cũng có lẽ vì vậy mà nhiều người Ấn độ mà tôi đã từ tương tác và làm việc hay có cái tính hung hăng và chỉ tính làm sao cho có lợi cho mình, ích kỷ và không uy tín. Cứ nhìn họ xếp hạng trên thế giới về cam kết thực hiện hợp đồng mà xem, xếp hàng 186/189 (theo Ngân hàng thế giới). Cái chợ tâm linh là thế. Tội cho những người thật sự gìn giữ đạo giữa cái chốn lao xao. Đạo một nơi, đời một nẻo.


Cầu nguyện bằng app

Trước đây có khi phải chờ đến 90 tiếng mới được gặp thầy và làm lễ mỗi khi đến lễ thánh Ganesh Chaturthi. Người Ấn độ bây giờ không cần chờ thế nữa. Cứ download cái app, mở ra nghe cầu nguyện và làm lễ ảo luôn. Hiện nay đã có 50 ngàn người sử dụng app này, trả phí 3.75 đô la mỗi tháng.



Ảnh: Những yogi người Ấn


Trích chương 14 - Đạo của vũ trụ - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân


574 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page