top of page

100 NGÀY ĐẦU TIÊN



Mình hay nhận câu hỏi từ các bạn trẻ là, cô ơi em được cất nhắc lên vị trí quản lý mà giờ em không biết phải làm gì khác đi, làm sao để đội ngũ phục mình trong khi mình và họ đã từng là nhân viên như nhau. Có khi câu hỏi là em cảm thấy mình không đủ năng lực em có nên trả lại chức danh đó hay không. Đương nhiên, một số công ty, tổ chức có lộ trình đào tạo và phát triển rõ ràng cho hành trình sự nghiệp của các hạt giống lãnh đạo. Nhưng đa phần tất cả các công ty vừa và nhỏ, siêu nhỏ, startup thì chẳng ai có thời gian hay tâm sức lo chuyện này. Face it! Thực tế chút đi. Đây là sự thật mà.


Vậy nên, người mới lên hoặc là rất hùng hổ cao ngạo kiểu không biết không có tội, xông vào ào ạt đốt vài ba đám cháy để thị uy, hoặc là co rúm người lại vì chẳng biết phải làm gì để thích ứng với hoàn cảnh mới, hoặc là bị stress cao độ vì sợ người ta quýnh giá mình không đủ năng lực làm sếp, vv. Dù là gì, bài viết này là để động viên tinh thần và chia sẻ với bạn cách tư duy về giải pháp.

Dù trong hoàn cảnh nào, nên trân quý và nắm bắt cơ hội

Trong đời, cơ hội không phải lúc nào cũng may mắn rơi độp xuống đầu như vậy đâu. Cho nên, nhất thiết không được phí nó, không được bỏ nó, không được sợ nó, và càng không nên ghét nó. Khi cơ hội đến, phải trân trọng nó, yêu thương nó, dành hết tâm sức và thời gian để nuôi dưỡng nó. Làm gì cũng vậy, không bỏ tâm bỏ sức ra thì đâu có chuyện gì nó thành. Không nuôi làm sao lớn? Không bươn chải làm sao vượt qua hoàn cảnh? Không cố gắng làm sao đạt được thành công? Vậy nên, hãy ôm chầm cơ hội vào lòng, vỗ về nó, và cam kết sẽ làm tất cả, làm hết sức bình sinh, làm nhiều hơn có thể để xứng đáng với cơ hội đó. Cơ hội có khi không đến lần thứ 2. Đừng bỏ qua! Tâm thế là đón nhận, cam kết phát triển bản thân để có thể làm tốt nhất nhiệm vụ được giao. Và nhớ là, bạn đang không làm điều này vì ai khác cả. Bạn thật sự đang làm tất cả cho chính mình.

Làm gì cũng phải hiểu thứ mình đang làm

Làm sales supervisor - giám sát sales là làm gì? Làm operations leader - lãnh đạo vận hành là làm gì? Làm senior customer service manager - giám đốc cao cấp dịch vụ khách hàng là làm gì? Nói chung, cái chức danh mà bạn vừa mới nhận là làm gì? Muốn biết mình làm được hay không, mình có hay thiếu kiến thức, kỹ năng, phẩm chất gì cho vị trí này thì trước hết mình phải hiểu thứ mình vừa nhận và đang làm cụ thể là làm gì. Có thể bạn đã nhận cái JD - job description - bảng mô tả công việc, nhưng tôi không chắc bạn đã đọc kỹ, cũng không chắc bạn hiểu hết những gì vừa mới đọc, hoặc đọc xong không hiểu cũng chưa đặt câu hỏi gì cho ai để làm rõ về nhiệm vụ của mình. Đó là chưa nói tới chuyện có rất nhiều nơi, làm gì vẫn còn là một câu chuyện thần bí chưa có lời giải đáp. Bị đẩy vào, kêu làm đi, tới đâu tính tới đó, làm tới đâu sếp giao việc tới đó cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Nhiều khi, sếp còn không biết bạn cần phải làm gì, chỉ trám tên người vào cái ô sơ đồ tổ chức nhìn cho nó đủ và nó đẹp.

Dù ở trong hoàn cảnh nào, tốt nhất là bạn ép ai đó có trách nhiệm đẩy mình vô chỗ này phải ngồi xuống và làm rõ vị trí mình vừa nhận cụ thể là làm gì, ghi xuống từng cái gạch đầu hàng tên những công việc bạn cần làm, hỏi và ghi rõ mong muốn kết quả của từng công việc đó nhìn mặt mũi nó ra sao, có đánh giá và báo cáo kết quả không, đánh giá bằng đơn vị cụ thể là gì và khi nào. Thứ gì người ta không trả lời được thì mình ép hỏi cho ra lẽ. Chớ không hiểu làm sao làm? Không biết thành công mặt mũi ra sao thì làm sao mà đạt? Hơn nữa, khi bạn hiểu rất rõ thứ mình đang làm là gì, nó sẽ là thuốc chữa bệnh lo lắng, hoang mang, sợ hãi. Khi biết cần làm gì, người ta chỉ cần tập trung vào và làm thôi. Thời gian đâu nữa mà lo với sợ.

Lên kế hoạch 100 ngày đầu tiên

Làm cái gì mới, dự án mới, công việc mới, chương trình mới, vv mình đều phải có pờ len (plan) hết. Không thì biết đâu mà sắp xếp trước sau, khoa học, logic để làm cho nó thành công. Nhận nhiệm vụ mới cũng vậy, hỏi mình, mình sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên? 100 ngày là cỡ 3 tháng tạo ấn tượng và ổn định chỗ đứng đó. Đây cũng là thời gian người ta soi mình ghê nhất. Cho nên cần phải bình tĩnh nhưng quyết liệt, học và tìm hiểu thật nhanh nhưng phải có action - hành động ngay và luôn. Dân đi làm chuyên nghiệp gọi là quick win, nghĩa là những việc ghi bàn nhanh, tạo ấn tượng tốt, tạo năng lượng tích cực cho sự bắt đầu của mình. Đây cũng là thời gian phải lo song song chuyện ngắn lẫn chuyện dài, nghĩa là giải quyết xịn sò việc trước mắt nhưng không quên xây cái hành trình dài hạn để thành công nó mang tính bền vững.

Kế hoạch 100 ngày là action plan - kế hoạch hành động. Tên vậy nghĩa là phải hành động. Đừng có chỉ lướt qua lượn lại suy nghĩ về nước Mỹ. Action phải rõ ràng, cụ thể, tạo hiệu quả tích cực cho đội ngũ, phòng ban, tổ chức, và đặc biệt là cho kết quả mong đợi tại vị trí bạn vừa nắm giữ.

Kế hoạch 100 ngày của bạn đâu?


Kích hoạt chế độ emergency về phát triển bản thân

Ai nhận chức mới mà hoàn hảo, có đủ 100% các kiểu yêu cầu cho vị trí đó. Làm gì có. Cho nên, nhận là một chuyện, hiểu cần làm gì là một chuyện, nhưng để xây dựng được sự tự tin thì phải biết rõ mình có gì thiếu gì. Nhìn yêu cầu công việc và KPI, mình phải hiểu mình cần thêm kiến thức, kỹ năng, phẩm chất gì. List hết ra, nhìn vô mặt nó hàng giờ để hiểu cho đúng cho đủ, rồi action ngay. Chưa hiểu chưa biết thì dành thời gian tìm hiểu bằng mọi cách. Kỹ năng còn thiếu, chưa đủ thì tìm cách học và rèn luyện ngay lập tức. Người ta thảy mình xuống sông thì mình phải học bơi để cứu bản thân chứ thời gian đâu mà chờ người ta dạy bơi. Dạy hay không là chuyện của họ. Học kiểu gì để có thể bơi nhanh nhất là chuyện của mình. Rồi, xông vào đi, tiến lên nào, đừng có đứng đó mà uốn éo nữa. Chìm bây giờ!


Chế độ emergency là bật hết tất nguồn năng lượng, sự tập trung, tinh thần quyết tâm chơi khô máu lên để chinh phục vị trí vừa mới bị quăng vào. OK hôn?


Back up quyền hỗ trợ

Đâu có ai trên đời chuyện gì cũng tự nghĩ ra được hết hay có giải pháp hay ho được hết. Người mà. Có phải thánh đâu. Cho nên, làm gì, đặc biệt trong những trường hợp emergency kiểu này, đều phải có mentor, có người hỗ trợ và giúp đỡ tinh thần cũng như lời khuyên trong những lúc mình hơi lao đao chưa vững. Người đó là ai chỉ có bạn biết, nhưng phải bật chế độ trợ giúp 24/24 để cảm thấy an tâm là mình vẫn còn nơi tựa vào khi vấp phải thanh chắn nào đó trên đường. Người đó có thể là người đã đưa mình lên, có thể là sếp, có thể là ai đó khác ngoài tổ chức nhưng sẵn sàng hỗ trợ mình. Ai cũng được. Bật được chế độ có mentor là tinh thần mình sẽ khác. Ngoài ra, người đứng ngoài người ta luôn nhìn thấy rõ hơn người trong cuộc. Tham khảo ý kiến người ta về những ý định của mình là chuyện hết sức cần.


Rồi, vậy nha các lãnh đạo trẻ đang lên. Vào cuộc thôi. Dấn thân thôi. Làm là học và học rồi mới lớn. Cố lên!

9.420 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page