top of page

Audit - Kiểm toán quan hệ của bạn



"Cơ bản thì tổ chức chỉ là một hệ thống lớn của những quan hệ. Vì thế, nếu bạn không xây dựng được quan hệ thì khả năng thành công của bạn rất thấp."


Trích từ khoá học Developing Relationships - Xây dựng quan hệ để thành công trên blog nguyenphivan.com


Ai muốn thành công cũng cần phải có "quan hệ", dù đó là quan hệ với đồng nghiệp, sếp, nhân viên, mentor, khách hàng, đối tác, co-founder, hay nhà đầu tư, vv. Bạn nhìn xung quanh mình đi, có ai thành công mà chỉ lầm lũi có một mình, không sống hay chơi được với ai, không chia sẻ và tạo ra giá trị cho ai không? Ngược lại, có lẽ bạn sẽ thấy là người thành công họ có nhiều quan hệ rộng, sâu, đa dạng, liên ngành, không bị giới hạn bởi biên giới vật lý.... Xây dựng quan hệ vì vậy là một phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp của họ, và người thành công dành rất nhiều thời gian và tâm sức để làm việc này.


Tuy nhiên, để có thể xây dựng quan hệ thành công đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, khả năng và phẩm chất khác nhau, vì quan hệ không phải là một vấn đề cần giải quyết mà là những hành trình tương tác, xây dựng niềm tin và sự thấu hiểu giữa bạn với nhiều người khác nhau. Bạn có bao nhiêu quan hệ thì bạn đang phải cùng một lúc bước đi và phát triển trên bấy nhiêu hành trình. Xây dựng quan hệ, vì vậy, là chủ đề cực kỳ phức tạp, cần sự tinh tế, kiên nhẫn, cần trí tuệ cảm xúc và people skills - kỹ năng năng xây dựng quan hệ, tương tác và làm việc hiệu quả với người khác.


Bạn có "quan hệ" không?

Trước khi học cách xây dựng quan hệ, có lẽ trước hết bạn cần nhìn lại xem mình có quan hệ không, đó có thật sự là quan hệ như bạn nghĩ không dựa trên hiểu biết và khả năng xây dựng quan hệ thực tế của bản thân. Giờ bạn làm bài tập này nhé.


  1. Chọn không gian yên tĩnh, không bị quấy rầy, và giới hạn cho mình một khoảng thời gian riêng tư để làm bài tập này.

  2. Ngồi xuống, tĩnh tâm, đọc từng câu hỏi và ghi câu trả lời trên giấy.

  3. Nếu các câu trả lời của bạn trên 50% là "không" hoặc "không chắc" thì có lẽ bạn chưa có "quan hệ" như bạn tưởng.

  4. Nếu câu trả lời của bạn là có từ 50%-80% thì bạn còn cần phải rèn luyện rất nhiều mới có những "quan hệ" thực thụ.

  5. Nếu câu trả lời của bạn trên 80% là có thì bạn có thể đang xây dựng được "quan hệ" và cần tập trung để phát triển và gìn giữ những quan hệ này.


- Bạn cần xây dựng những quan hệ nào và để làm gì? Quan hệ không phải tự nhiên mà sinh ra. Nó đến từ nhu cầu tương tác, làm việc, công tác hợp tác của cả đôi bên. Và quan hệ chỉ có thể vững bền khi cả đôi bên cùng có được lợi ích từ quan hệ đó. Vì vậy, bạn cần phải rất rõ là mình cần xây dựng quan hệ với ai, bạn cần gì ở họ, họ cần gì ở bạn, và hiểu rất rõ bạn có khả năng để cho họ điều họ muốn ở bạn không. Nhớ là, quan hệ là con đường hai chiều. Nếu bạn chỉ nhờ vả, xin xỏ, lấy đi của người khác mà không có giá trị gì để trao lại thì bạn đang không có quan hệ với người đó. Bạn thật ra chỉ đang đi đường một chiều và đang lợi dụng, phụ thuộc, hay dựa dẫm vào người ta thôi.


- Bạn có people skills - Kỹ năng xây dựng quan hệ, tương tác và làm việc hiệu quả với người khác không? Ở đây chúng ta đang bàn về việc xây dựng quan hệ với "con người". Đã vậy, thì trước hết mình phải có kỹ năng "con người" chứ. Và đừng tưởng lầm mình sinh ra là người thì nhất thiết phải có sẵn kỹ năng "con người". Có thể nói những kỹ năng này đang mất dần ở các thế hệ trẻ khi các bạn ngày càng nhiều bạn trên thế giới ảo, ngày càng tương tác theo kiểu like, share, thả tim, ngày càng tương tác trong lầm lũi.... Sự cô độc trong một thế giới kết nối đã trở thành căn bệnh thế kỷ. Nhiều bạn có khi còn sợ hãi, bối rối không biết phải phản ứng sao khi đối diện face-to-face với một người, trong khi trên đám mây ảo thì cực kỳ sôi nổi. Trong khuôn khổ của khoá học này, vì vậy, chúng ta sẽ tập trung vào các kỹ năng "con người" để giúp các bạn tự tin hơn trong mọi tương tác thật với những con người khác.


- Bạn có EI - trí tuệ cảm xúc không? Muốn xây dựng quan hệ tốt với người khác thì cần phải hiểu bản thân, hiểu cảm xúc và ngòi nổ của bản thân, hiểu cảm xúc và ngòi nổ của người khác để biết cách tiết chế, kiểm soát, phát triển năng lượng tích cực.... Làm sao có quan hệ khi cả đôi bên ai cũng vô minh, cũng bị mù cảm xúc hay bị dẫn dắt bởi cảm xúc và hành vi vô nhận thức? Vì vậy, muốn xây dựng và giữ quan hệ tốt thì đương nhiên bạn cần phải có EI. Nếu chưa học, bạn nên đăng ký khoá EI @ work - Trí tuệ cảm xúc cho người đi làm để nâng cao EI cho mình.


- Bạn có biết lắng nghe chủ động, lắng nghe không phán xét không? Não người vận hành như con khỉ, nhảy nhót vô tội vạ và không theo một kỷ luật nào. Cùng một lúc có thể ping pong 1001 chuyện khác nhau, từ quá khứ đến hiện tại, vị lai. Cũng vì vậy, con người "nghe" nhưng không "thấy". "Nghe"chỉ là nghe tiếng ồn tiếng nói, chưa chắc đã nghe hiều nội dung người khác nói, đó là chưa kể đến hiểu cả ngôn ngữ không lời như cảm xúc, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể.... Đôi khi, chưa nghe người ta nói đã lo đối phó, tìm cách trả lời cho trên cơ, cho smart, cho "thể hiện", cho tắt lửa n người ta, vv. Lắng nghe, chuyện như đùa, tưởng là kỹ năng ai sinh ra cũng có, nhưng lại là kỹ năng thiếu nhất ở con người, đặc biệt là trong thời đại mà ai cũng lo cào cấu "attention - sự chú ý" về mình chứ chẳng ai lo đi nghe người khác.


- Bạn có dành thời gian để xây dựng quan hệ không? Câu hỏi này chắc hỏi 10 người hết 9 không trả lời được. Thời thế của mỳ ăn liền, cửa hàng tiện lợi, real time - ngay và tức thì này thì con người hết biết cách chú ý vào những thứ cần sự kiên nhẫn và lâu dài rồi. Quan hệ, với hầu hết con người chỉ còn là tiện ích khi cần thì mới mở ra. Nhưng quan hệ thời nào, ở môi trường hay văn hoá nào, 4.0 hay mấy chấm không, thì vẫn là thứ truyền thống nhất. Nó đòi hỏi sự chân thật, đòi hỏi sự tin tưởng. đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, đòi hỏi deposit vào rồi mới có thể rút ra. Cho nên, nếu bạn đang không dành thời gian, đang không quan tâm xây dựng thì bạn đang không có quan hệ nào đâu. Đừng tưởng quan hệ là tiện ích khi nào cần thì mở.


- Bạn có đang xài lố thời gian cho quan hệ không? Dành thời gian xây dựng quan hệ là tốt, nhưng nhiều khi người ta hay bị quá đà cho một số quan hệ, ví dụ tám quá, nhậu nhẹt quá, vô bổ quá, vv. Không để ý thì thôi, nếu thật sự suy xét bạn sẽ thấy mình đang có nhiều quan hệ thế. Cái gì quá cũng không tốt, vì nó thành gánh nặng, thành hoang phí, thành vũng lầy. Cho nên, trong quan hệ, ngoài chuyện dành thời gian, còn phải biết tiết chế thời gian.


- Bạn có biết cám ơn và bày tỏ sự biết ơn không? Có một nghịch lý trong thời cuộc tức thì này, là việc liên hệ, nhờ vả trở nên dễ dàng nhanh chóng quá, nên con người tưởng là đương nhiên người khác "phải" có trách nhiệm hồi đáp, hỗ trợ, giúp đỡ mình. Bạn expect - muốn người ta như vậy mà bạn có như vậy với người khác hay không? hay bạn chỉ biết lấy chứ chưa hề biết cho, chỉ biết nhờ chưa bao giờ biết giúp? Sự thật về quan hệ là, không ai trên đời này có "trách nhiệm" gì với ai hết. Người ta vui, người ta thích, người ta có tâm thì người ta sẵn lòng giúp và mình phải học cách cám ơn, biết ơn, rồi tìm cách trả. NOBODY - viết hoa luôn đó, không có bất kỳ một ai trên đời này phải giúp bạn đâu. Người biết xây dựng quan hệ hiểu điều này, nên họ không hoang phí quan hệ cho những điều bản thân có thể tự làm, và đặc biệt rất giỏi môn cám ơn, biết ơn, và ghi nợ đầy đủ để tìm cách trả. Ai làm gì cho mình cũng là nợ mà mình phải trả. Tài khoản vũ trụ phải có nạp vào mới có cửa rút ra. Ai không hiểu đạo lý này sẽ chỉ vơ vét được vài cơn rồi sau đó chẳng ai thèm giúp nữa.


3.408 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page