
Trong cuộc đời, ai cũng có những lúc dấn thân, tiến lên, bước tới, up level và tiến bộ không ngừng. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng được ở trong trạng thái tích cực như vậy. Sẽ có lúc, bạn bị khựng lại, dậm chân tại chỗ, bị mắc kẹt đâu đó như trong một vũng lầy, loay hoay mãi vẫn không tìm ra lối thoát. Trong đời, ai rồi cũng sẽ có những lúc như thế. Có khi ta nhận ra có khi không. Có khi, trong sự quen thuộc và an toàn của dòng chảy đời thường, ta trôi theo sự bất định mà ngỡ là mình đang đi về phía trước. Cho nên, đôi khi mình nên dừng lại, nhìn lại, tự nhận ra xem mình có đang rơi vào trạng thái khựng lại hay không. Sau đây là một vài dấu hiệu bạn đang khựng lại.
Chán
Khi cảm thấy chán hay nản là lúc bạn không còn hào hứng tìm kiếm thử thách mới, không còn hăng hái muốn tham gia vào công việc hay bất kỳ dự án gì đang làm. Người mà đã rơi vào trạng thái chán nản rồi thì thứ gì cũng thấy không có hứng làm, không có ý nghĩa, không có gì hay. Khi bị kẹt ở đây, có lẽ cách tốt nhất là bạn nên dừng lại một chút, kết nối lại với bản thân, kết nối lại với đam mê, mục đích sống, giá trị mà bạn quan trọng và theo đuổi. Chính sự mất kết nối giữa bản thân và việc bạn đang làm khiến cho bạn cảm thấy mất năng lượng, vô nghĩa, thân tâm không hợp nhất. Còn khi đã kết nối được rồi thì dù đang làm gì, bạn cũng thấy vui vẻ hào hứng, vì bạn đang không làm mà là đang thực hiện mục đích sống của mình, đang hiện thực hoá giá trị của mình. Chính điều đó sản sinh năng lượng tích cực đẩy bạn về phía trước không ngừng nghỉ, mỗi ngày và trong suốt hành trình đi về phía giấc mơ.
Cạn kiệt
Nếu lúc nào bạn cũng đang trong trạng thái mệt mỏi, stress, kiệt sức, phí thời gian vào những việc không đâu mà không hiểu tại sao thì đây là dấu hiệu bạn đang khựng lại. Những gì bạn làm đang rút cạn năng lượng của bạn, nghĩa là nó không mang lại cho bạn chút niềm vui, hạnh phúc hay hứng khởi gì. Người rơi vào trạng thái này đang làm điều đi ngược lại với mong muốn bản thân, đang làm những gì bị ép, bị bắt buộc, bị vô thế chứ bản thân hoàn toàn không mong muốn. Lâu ngày dài tháng, năng lượng bị bào mòn cho đến khi cạn kiệt. Bạn mất hết hứng khởi với tất cả mọi thứ, ngay cả với chính những sở thích riêng, không còn muốn làm gì nữa hết, chỉ vật vờ cho qua ngày với những thứ vô nghĩa, linh tinh, tiêu tốn ít nhất năng lượng não, và không còn muốn gặp ai hay tương tác gì với thế giới bên ngoài. Đây là lúc bạn nên dừng lại, cho bản thân một kỳ nghỉ, đi đâu đó khỏi hoàn cảnh hiện tại, kết nối với thiên nhiên để cho mình thời gian kết nối lại với bản thân, và trả mình về với những khát khao, những giá trị căn nguyên nhất để bắt đầu một hành trình mới.
Sợ hãi
Sợ hãi là trạng thái nhiều người rơi vào khi bạn luôn cảm thấy lo lắng, tự ti, sợ phải nhận nhiệm vụ hay mục tiêu, dự án mới vì thấy mình không xứng đáng, không đủ năng lực, không làm nổi. Nhiều người vì vậy mà từ chối, bỏ chạy, né tránh, rồi cũng vì vậy mà cảm thấy bản thân thật tồi tệ. Khi bạn đẩy bản thân vào thế này, bạn sẽ bắt đầu lao dốc không phanh. Năng lượng tiêu cực sẽ trì kéo bạn xuống mỗi ngày, khiến nỗi sợ trong bạn phình to như con voi trong phòng, và nó trở thành thứ duy nhất mà bạn nhìn thấy. Thật ra, có ai trong đời mà không một lần phải đối diện với sự lo lắng là mình chưa đủ sức đâu. Ai cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như thế cả. Có chăng, là người tích cực sẽ không vì vậy mà bỏ chạy. Thay vào đó, họ sẽ dấn thân học hỏi, nâng cấp bản thân bằng tư duy mở của mình. Có ai trong đời mà thứ gì cũng biết? Phải học và học cả đời mới tiến bộ được chứ. Thay vì sợ hãi, có lẽ nên lấy đó làm thử thách mới để nâng cấp bản thân.
Vùng an toàn
Khi bạn né tránh thừ thách mới, dự án mới, nhiệm vụ mới, khi bạn chỉ muốn làm ít nhất có thể rồi biến, khi bạn chỉ quẩn quanh vài người quen để tiêu khiển vài thứ đã rất quen, đó là khi bạn đang khựng lại, tìm kiếm sự quen thuộc trong vòng an toàn, không còn quan tâm hay hào hứng với những gì mới mẻ. Lựa chọn sự thoải mái an toàn nghĩa là bạn không còn muốn dấn thân, phát triển, hay tiến bộ. Cái vùng an toàn đó, nó trải đệm thật êm, và người ta lún sâu vào cảm giác thoải mái cho đến khi không còn ý chí bước ra, đối diện với sự thật, với sự chuyển động không ngừng của thế giới bên ngoài, cho đến khi ta bị bỏ lại quá xa, và cảm giác bất lực khi mất hẳn khả năng theo kịp. Điều duy nhất bạn có thể làm lúc này là dũng cảm bước ra khỏ vùng an toàn. Không bao giờ là trễ. Chỉ có lựa chọn ở lại hay thoát ra mà thôi. Đừng suy nghĩ quá nhiều và suy nghĩ lung tung. Tập trung vào 2 lựa chọn, ở lại hay thoát ra. Vậy thôi! Lựa chọn xong, thì ngồi lên kế hoạch hành động cho mình. Muốn làm thì sẽ được!
Sao nhãng
Khi thấy mình bắt đầu lơ là công việc, lơ là mọi thứ, suốt ngày bận toàn những thứ linh tinh như gọi điện thoại, lướt mạng, tới lui không biết hay không muốn làm gì, bể deadline, làm gì cũng không xong, không tới, không chất lượng thì biết là mình đang có vấn đề và đang khựng lại. Bạn không còn nhớ mục tiêu của mình là gì, không còn biết mình nên làm gì, không để tâm hay tập trung gì nữa hết. Sự sao nhãng này là dấu hiệu bạn đang khựng lại. Có lẽ đây là lúc bạn nên tự xốc lại mình, nhắc nhở bản thân về mục tiêu dài hạn và ngắn hạn mà mình đã từng đặt ra, rồi tập trung vào đó mà bước tiếp. Nếu những mục tiêu này không còn truyền cho bạn cảm hứng, có lẽ nên đặt mục tiêu mới, refresh - tái tạo năng lượng hứng khởi mới, bắt đầu hành trình mới.
Trì hoãn
Không muốn làm người ta mới trì hoãn, kiếm cách này cách nọ né tránh nó, rồi chờ cho tới khi sắp đến hạn mới vội vã làm đại, làm cho nhanh, làm xuyên ngày xuyên đêm cho kịp thời gian chứ không quan tâm gì đến chất lượng và sự xuất sắc. Chỉ khi không thích thú, không cảm hứng thì người ta mới trì hoãn kiểu như vậy, né tránh không đối diện cho đến khi không còn né nổi nữa. Khi rơi vào trạng thái này, bạn đang khựng lại và cần cảm hứng mới để tiếp tục. Hãy cho mình không gian và thời gian riêng để nhìn thật rõ bản thân đang muốn gì, cần gì, và điều gì trong đời là quan trọng, là khát khao và đam mê của bạn. Tìm lại cảm hứng và dấn thân trên một hành trình mới sẽ cần thiết để bạn không còn khựng nữa.
Không tạo ra tác động
Nếu đã 6 tháng trôi qua, nhìn lại và cảm thấy mình chưa đạt được thành tích gì mới, chưa tạo ra bất kỳ tác động gì mới, không tạo ra ảnh hưởng gì quan trọng với bản thân, đội ngũ hay tổ chức thì có lẽ bạn đang khựng lại, đang tập trung năng lượng sai chỗ và cần dũng cảm start lại. Có khi, bạn đang trượt quá xa so với mục tiêu đã đặt ra. Có khi, bạn đang đi lạc đường hay loay hoay sai chỗ. Nên đọc lại mục tiêu, tập trung lại vào mục tiêu, và lựa chọn mục tiêu thử thách hơn để dấn thân vào. Không có thử thách làm sao có sự tiến bộ? Làm hoài mà không tạo ra tác động gì thì làm để làm chi? Thành ra, đừng cho phép bản thân khựng lại.
Rồi, ai đang triệu chứng nào trên đây và biết mình đang khựng lại thì lo chữa đi nha. Sống mà, phải hào hứng và vui vẻ chứ!
Comments