top of page

BẠN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI CÓ TƯ DUY ĐÓNG?



Ai cũng biết muốn phát triển, muốn thành công thì phải có tư duy mở. Nhưng làm sao biết tư duy của mình đã mở chưa, hay mở hé hé, hay loading bao nhiêu phần trăm, vì đâu có ai tư duy mở mà bung bét hết đâu. Ai cũng có thể bị thành kiến định kiến này nọ trong cuộc sống và hành trình lớn lên của mình nó vận vào mà. Cho nên tốt nhất là mình nhận dạng xem người có tư duy đóng có biểu hiện gì để mình tránh, rồi mình rèn luyện cho tư duy mình nó mở ra từ từ, xoá bỏ thành kiến định kiến và ego từ từ.

  • Người có tư duy đóng không thích người khác phản biện ý kiến của mình: Biết tại sao không? Vì con người ai cũng mày mặt, nghĩ mình đúng, mình hay mình giỏi chớ không bao giờ cho là người khác có thể đúng và mình có thể sai. Biết sao không? Sai bét! Ai cũng có thể đúng và có thể sai. Khi bạn tiếp nhận thông tin không đúng, đủ, chính xác, là “sự thật” sự thật chứ không phải sự thật của bạn thì đầu vào của mọi suy nghĩ suy diễn nó đã sai mất rồi. Sai ngay đoạn đó thì làm sao ra kết qủa đúng cho được? Thành ra, ai khư khư giữ lấy ý kiến của mình, luôn cho là mình đúng, không thích hay sợ người khác có ý kiến hay phản biện ý kiến của mình là người cố chấp, ego, không đủ mở để tiếp nhận sự thật. Vậy, nghĩa là có tư duy đóng.


  • Người có tư duy đóng thường đưa ra nhận định chứ không đặt câu hỏi: Bởi vì nghĩ mình đúng cho nên toàn là phán không à. Bạn nghĩ lại đi, đã bao nhiêu lần bạn nghe và bản thân cũng “tôi cho là”, “theo tôi”, phán như đúng rồi trong khi chưa hiểu hết sự tình hay sự thật? Chuyện nhà người ta mà phán như đúng rồi? Ôi, hình như cả xã hội này đang xuất chiêu này hơi nhiều. Chưa hỏi câu nào, chưa tìm hiểu cho hết mọi góc nhìn của một sự việc mà đã phán là thua. Kiểu đó lại cho là mình thành quan toà của thế giới rồi. Người như vậy sẽ không bao giờ biết hết sự thật, vì đối với họ sự thật là thứ họ “assume - giả định” theo suy nghĩ và trải nghiệm cá nhân. Vậy thì mở cái gì mà mở?


  • Người có tư duy đóng tập trung vào chuyện người ta phải hiểu mình chứ không bao giờ chịu đi tìm để hiểu người khác: Vì suốt ngày chỉ tập trung vào bản thân, vào cảm xúc và sự “mặt mày” của mình nên họ toàn đổ trời trách người sao không ai chịu hiểu mình. Họ play victim - đóng vai nạn nhân là chính. Mọi sự không thuận lợi, khó khăn, thất bại trong đời này chỉ toàn là tại người khác thôi. Tại sao mình tốt vậy giỏi vậy hay ho vậy mà chẳng ai chịu hiểu cho để cớ sự nó ra thế này? Ủa, đường một chiều kiểu này bạn đi một mình đi. Bạn sống trong xã hội nhiều người, mỗi người một chiều mà. Chỉ có đường hai chiều và đường đa chiều thôi chớ làm gì có đường một chiều, trừ phi bạn sống 1 mình như Robinson Crusoe trên hoang đảo.


  • “Tôi có thể sai, nhưng đây là ý kiến của tôi”: người hay rào đón kiểu này không chấp nhận mình sai đâu, mà chỉ cố ý muốn buông ra cái ý của mình thôi và cái ý đó của tôi là không có cửa thay đổi đâu. Mấy người tiếp nhận hay không thì nó cũng là như vậy đấy. Khi dẫn dắt bằng cách này, họ chỉ cần nói ra ý kiến của mình thôi, ai nghe không nghe mặc kệ, và bạn cũng chẳng quan tâm là mình có đúng hay không, vì đương nhiên ý tôi là phải đúng.


  • Người có tư duy đóng hay chiến diễn đàn không cho ai khác nói: Nghe quen hông? Trong đời tôi gặp loại người này hơi nhiều. Có nhiêu giành nói hết, nói lấn nói lướt, nói bịt cửa của tất cả những người khác, không thèm nghe hay quan trọng ý kiến của ai khác. Me me me, mọi người phải chú ý tôi. Vũ trụ xoay xung quanh tôi. Mắc mệt hà! Chơi vậy cửa đâu cho người xung quanh người ta giao tiếp và đóng góp bạn?


  • Người có tư duy đóng không bao giờ cho phép hai luồng suy nghĩ tồn tại cùng một lúc trong đầu họ: Này là kiểu my way or the highway - hoặc là theo tao hoặc là biến, vì không bao giờ có cách nào hay hơn, đúng hơn, tốt hơn cách của tui hết. Người đã đóng khung tất cả mọi khái niệm thì không có cách nào tiếp nhận thêm bất kỳ một luồng suy nghĩ nào khác, nói chi tới chuyện cho phép nó lưu hành trong não mình. Bởi vậy, họ có thể thành công đến một mức độ nào đó nhờ những biến số tốt, nhưng sẽ chẳng bao giờ giữ được vị thế theo thời gian.


  • Người có tư duy đóng không biết khiêm tốn: Đã nghĩ là tui đúng tui hay rồi thì nói gì chuyện khiêm tốn? Cái ego của họ to vật vã lắm. Đụng vô là họ xù lông lên, gào to hơn, mặt nặng mày nhẹ với mình liền. Họ không cho phép ai khác trong bàn hay trong phòng giỏi hơn mình. Tự cao tự đại kiểu đó, không biết trời cao đất rộng thì có dư địa đâu mà tiếp thu cái mới, mà học, mà phát triển bản thân, mà nâng tầm này nọ.


Rồi, nhiêu đó triệu chứng chắc là đủ để mỗi người chúng ta soi rọi lại bản thân mình. Chắc chắn ai cũng có phạm một ít chỗ này chỗ kia. Có điều, nhận ra thì còn có cơ hội mà cải tiến. Chớ sống trong cái giếng của mình hoài thì làm gì biết ngoải kia nó rộng lớn ra sao. Thôi, tui cũng đi phản tư đây. Các bạn coi sao nha.

5.507 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page