top of page

BẠN MUỐN LÀ AI TRONG 3, 5 NĂM NỮA?



Bạn viết cho tôi một chiếc email dài, vì đang loay hoay không tìm được câu trả lời cho bản thân. Dù đang làm việc tại Nhật, nhưng hành trình công việc và tương lai dường như vẫn còn rất mơ hồ… Trước khi chia sẻ với em, xin trích vài đoạn trong email như sau.


__________


Con xin chào cô Nguyễn Phi Vân


Con có theo dõi các bài viết của cô, nghe các podcast cô chia sẻ và muốn gửi cho cô 1 bức thư tâm sự, nếu may mắn được cô đọc thì con sẽ rất vui.


Năm nay con 26 tuổi, đang làm cho 1 công ty tại Nhật. Trước khi vào công ty Nhật họ hay có bài trắc nghiệm tính cách với câu hỏi về tầm nhìn, như là “Bạn muốn là ai trong 3, 5 hay 10 năm tới và bạn có kế hoạch gì để đạt được nó?”

Trước đây con sống rất không có kế hoạch, con cứ nghĩ tuổi trẻ mà, cứ làm lấy kinh nghiệm thôi, cố gắng nỗ lực hết sức mình là được.


Nhưng gần đây con trăn trở về câu hỏi này mỗi ngày.


Trong đầu con là 1 mớ các câu hỏi , con cứ tìm hiểu cái này 1 ít, cái kia 1 ít và thực sự con không biết mình nên bắt đầu từ đâu? Con cảm thấy rất hoang mang. Nếu có thể nhận được chỉ dẫn từ cô thì con sẽ rất hạnh phúc để con có những quyết định đúng đắn hơn nữa trong tương lai.


Con cảm ơn cô lần nữa nếu cô đọc những tâm sự này của con

Con chúc cô ngày mới tốt lành!

_________


Đối với một người Việt Nam đang đi làm ở nước ngoài, thật ra áp lực cao hơn rất nhiều so với làm việc tại Việt Nam, vì ngoài công việc, còn rất nhiều thứ phải học, phải hội nhập vào môi trường và văn hoá hoàn toàn khác. Do đó, tất cả những khó khăn bước đầu này là một phần tạo thêm áp lực cho em. Mình bình tĩnh, học và hội nhập từ từ thôi em nhé. Việc em phải cố gắng nhiều hơn người khác, phải học và làm việc nhiều hơn người khác trong thời gian này là tất yếu, nhằm giúp em có được chỗ đứng trong môi trường công việc tại một quốc gia không dễ dàng cho người nước ngoài. Đôi lúc, cảm giác cô đơn, mệt mỏi, và câu hỏi tại sao mình lại phải ở đây và tại sao phải cực đến như vậy là chuyện thường tình bản thân em phải đối diện. Không sao cả. Đừng nản lòng. Đây chỉ là thời gian mà vũ trụ rèn luyện cho em để em trở nên vững vàng hơn, giỏi dang hơn, bản lĩnh hơn thôi. Không phải ai cũng có cơ hội được quăng vào một môi trường như thế để tôi luyện. Mong em bình tĩnh và quyết tâm trên hành trình này.


Việc mình đang làm có phải là nghề mình muốn theo đuổi?

Em đã làm được một năm. Một năm có lẽ là thời gian đủ dài để em biết rõ mình có yêu thích công việc này hay không. Nếu không thì có lẽ đã đến lúc mình cần phải đi tìm công việc mình yêu thích. Tuy nhiên, em cũng nên nhớ là mình đang ở nước ngoài, tìm được việc khác theo ý muốn có khi sẽ khó khăn hơn tại Việt Nam. Do đó, cần có sự chuẩn bị và thời gian để thay đổi, tránh tình trạng bốc đồng. Còn nếu câu trả lời là có, em có yêu thích công việc hiện tại, nhưng cảm thấy mình làm chưa OK, chưa làm tốt, chưa tạo ra thành tích gì thì có lẽ câu hỏi đầu tiên em cần hỏi mình là, để làm tốt công việc hiện tại, mình cần những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất gì. Cái đó đương nhiên trong bản mô tả công việc của em tại công ty có, và nếu họ đã tuyển dụng em thì có lẽ em cũng có một tỷ lệ cao những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất liên quan. Vậy, tại sao mình không phát huy được? Nguyên nhân là do đâu? Có khi nào cách tiếp cận công việc hiện tại của mình chưa đúng? Sẽ cần phải dành thời gian để đặt câu hỏi và trả lời cho bản thân để tìm ra nút thắt mà mình cần tháo gỡ.


Đừng tự nghĩ loanh quanh một mình. Nên tìm đồng nghiệp và sếp trực tiếp hỗ trợ

Một thân một mình làm việc ở nước ngoài, quan trọng nhất là mình phải có những người bạn đồng nghiệp đủ thân để có thể giúp đỡ mình. Đừng một mình tự nghĩ tự khổ sẽ không giải quyết được vấn đề gì đâu nhé. Ở đây, khả năng giao tiếp, xây dựng quan hệ là cực kỳ quan trọng. Em đi làm, nghĩa là có sếp trực tiếp, và đó sẽ là người em có thể chủ động đặt câu hỏi, xin ý kiến để em có thể làm việc tốt hơn. Sếp nào trên thế giới này cũng muốn nhân viên của mình làm tốt hơn, vỉ điều đó có lợi cho họ. Cho nên, cần giao tiếp và xin lời khuyên từ sếp. Ngoài ra, đồng nghiệp bản xứ của mình đâu? Ai là người đủ thân để mình đặt những câu hỏi cần có cho công việc mình tốt hơn? Có những khó khăn gì thuộc về môi trường mà mình chưa đủ hiểu, chưa đủ rành, chưa làm được và cần hỗ trợ? Rồi phòng nhân sự của công ty mình đâu? Đối với một người nước ngoài làm việc trong công ty, chắc chắc họ sẽ có đủ khả năng để giúp đỡ trong các vấn đề về hội nhập. Em nên bắt đầu xây dựng các quan hệ đủ tốt, đủ thân tại nơi làm việc để có được sự hỗ trợ em nhé.


Nếu thật sự muốn tìm việc khác, hãy nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thay đổi

Trong email, em kể rất nhiều nghề mình thích, nhưng cũng không rõ tại sao mình thích, và sợ rằng khi thật sự làm thì mình lại không làm được, không thích, không giỏi. Đây là vấn đề mà nhiều người trẻ gặp phải, thích đủ thứ nhưng không thích gì, nên nhiều khi nhảy việc liên tục và chẳng học được gì vì thời gian làm việc quá ngắn để có thể học. Do đó, để đừng phí thời gian vào chuyện nghỉ việc và lóc cóc nhảy việc để rồi không học được gì, em nên prototype nghề mình muốn tìm hiểu trước khi dấn thân. Prototype là mẫu thử, nghĩa là em tìm hiểu yêu cầu của nghề về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, tìm hiểu về mặt trái mặt phải của ngành, tìm người đang làm trong đúng nghề đó để hỏi thăm tìm hiểu, nhận làm free-lance hay project để thử nghiệm nghề nghiệp. Như vậy, em sẽ có góc nhìn thực tế hơn, cảm nhận đúng đắn hơn về nghề trước khi quyết định nghỉ việc và dấn thân vào nghề mới. Cứ bình tĩnh từng bước từng bước một. Đừng ngồi đó suy nghĩ quá nhiều rồi đâm ra sợ hãi, hoang mang.


Đi làm ở nước ngoài là một trải nghiệm rất đáng trân quý, giúp em trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, học hỏi và phát triền vững vàng hơn. Do đó, em nên cố gắng hết sức có thể để trải nghiệm này trở thành một tài sản quý giá trong hành trình sự nghiệp của mình. Còn chuyện lăn tăn nghề nghiệp của một người trẻ thì ở đâu cũng sẽ lăn tăn.Mình cứ bình tĩnh đặt câu hỏi và trả lời từng câu hỏi một cho bản thân để tìm ra lời giải đáp. Không có gì quá ghê gớm đâu em nhé.

6.912 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page