Điều ngỡ ngàng nhất trước giờ của mình khi quay lại Việt Nam và có dịp tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, là rất rất nhiều bạn đang không sống cuộc đời mình mong muốn. Có bạn đứng lên kể mình đang học đang làm những thứ gia đình yêu cầu, ép buộc, mong muốn, rồi khóc như giông bão. Có bạn chờ tới hết event mới lặng lẽ ra ngoài chờ, rồi xin ôm tôi một cái, rồi khóc nấc lên, nghẹn ngào như chưa từng được được khóc trong đời, chỉ vì bản thân cũng có hoài bão, ước mơ, cũng muốn follow your heart - bước theo tiếng gọi trái tim như cô nói, nhưng mà hoàn cảnh và gia đình không cho phép. Phần lớn các bạn thì nhắn tin vào FB, vì cảm thấy cô đơn, thấy stuck - bị kẹt, loay hoay không biết phải làm sao với cuộc đời mình, vì không được là mình, không được lựa chọn làm những điều mình yêu thích….
Thật ra, tình trạng này không dừng lại ở các bạn trẻ. Tôi thấy rất nhiều người Việt Nam mình, dù ở tuổi nào, cũng đang bị kẹt vào đây. Vì gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng, vì kế sinh nhai, tiền bạc, sự ổn định, an toàn, vv và vv, mà phải đánh đổi làm những điều bản thân không hề đam mê, yêu thích. Ở thế đó, đương nhiên bạn không happy. Mà khi đã không happy trong công việc, học tập, nghề nghiệp chiếm 1/3 thời gian cuộc đời, thì dần dần đương nhiên sẽ trở thành người không happy trong mọi thứ, trong gia đình, trong cuộc sống nói chung. Làm lụng vất vả cả đời, để không happy cả đời, một sự đánh đổi tính bằng chiều dài cuộc sống. Giá có quá đắt hay không?
Mình nhớ câu này của Bob Dylan, “What's money? A man is a success if he gets up in the morning and goes to bed at night and in between does what he wants to do."
Tiền là gì? Người thành công là người thức dậy buổi sáng, đi ngủ buổi tối, và thời gian ở giữa hai cột mốc đó thì được làm những gì bản thân yêu thích.”
Nếu canh theo nghĩa đó của thành công, thì chắc rất nhiều người dù đang có rất nhiều tiền, vẫn chẳng thành công. Bạn có đang thành công?
Nhưng làm sao để chuyển đổi từ tình trạng mắc kẹt vào hoàn cảnh sang trạng thái “Do what you love - làm điều bạn thích”? Nhiều người đã hỏi mình như thế. Thiệt tình thì, mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi cách tiếp cận phải khác nhau chớ không thể nào chung chung hoá được thành một công thức. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh là gì, mình nghĩ cũng cần những bước lớn sau đây:
Đừng trốn tránh và huyễn hoặc bản thân. Hãy đối diện với hoàn cảnh.
Nhiều người, dù biết mình đang không hạnh phúc chút nào, dù biết bản thân đang trầm cảm thế nào vì đang phải làm những gì bản thân không muốn, nhưng bất lực không tìm được cách thoát ra. Vì vậy, họ live in denial - sống trong tình trạng phủ nhận, tự lừa dối mình. Cách này, rất dễ làm, có tác dụng nhất thời, nhưng cực kỳ nguy hiểm. Khi sự dồn nén càng ngày càng chồng chất, nó trở thành cơn sóng ngầm, giận dữ, đen đúa được nuôi sống bằng sự cam chịu, nhẫn nhục, thù hận. Và đến một ngày nào đó, khi cơn sóng ngầm này quá lớn, nó sẽ biến thành cơn sóng thần thịnh nộ, nhấn chìm mọi sự hiện hữu, huỷ diệt mọi thứ xung quanh, chỉ để thoát ra một cách hả hê. Tàn tích, là sự xác xơ, lạc lõng, đớn đau của chính bản thân mình. Ngày cuồng nộ là như thế, và nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cho nên, đừng nhốt nó. Đừng nuôi lớn nó. Hãy cứ đối diện vả trò chuyện với nó, để tìm lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân. Phù hợp nhất, chứ không phải là an toàn nhất hay hoàn hảo nhất. Làm gì có một cuộc thoát thân hoàn hảo, hay một sự thay đổi an toàn. Phải có rủi ro, bất ý. Và phải chấp nhận đánh đổi khi cần. Còn hơn là ngồi chờ cơn sóng thần thịnh nộ kia cuốn phăng cuộc đời của chính mình.
Lên kế hoạch hai hay nhiều giai đoạn
Tuỳ vào hoàn cảnh, đơn giản hơn, ít dính dáng, ảnh hưởng đến nhiều người hơn, thì tạo kế hoạch thay đổi một hay hai bước. Ảnh hưởng diện rộng hơn thì chia thành nhiều bước hơn. Điểm đến là sự thoát thân khỏi hoàn cảnh đang có, và được làm điều mình yêu thích. Nhưng phải chia nhỏ hành trình này ra thành nhiều chốt chặn, để nó giảm thiểu nguy hiểm và ít sốc nhất cho những người liên quan. Rồi mình cứ từ từ, bình tĩnh, thực hiện từng bước một. Mắt hướng về điểm đến, chân thì vẫn cứ đi. Rồi bạn sẽ đến trước khi nhận ra mình đến.
Chia sẻ với những ai có thể hỗ trợ tinh thần cho bạn trên hành trình này
Gì cũng vậy, làm một mình, không ai ủng hộ, không ai lắng nghe khi cần, không ai để phản biện khi cần đều sẽ rất khó khăn. Có khi, sự đơn độc chính là thứ khiến bạn gục ngã chứ không phải là tính khả thi của hành trình chuyển đổi. Vì vậy, nên tìm trong network của mình, những người ủng hộ tinh thần cho bạn vô điều kiện, dù đó là vợ chồng, cha mẹ, bạn thân, đồng nghiệp, mentor, hay bất kỳ ai đó khác trong đời. Có sự ủng hộ này, bạn sẽ vững tâm hơn khi quyết định, khi dấn thân, khi thực hiện.
Vậy nhé! Không ai phải làm thứ mình không muốn. Cũng không có ai vì hoàn cảnh mà phải từ bỏ đam mê, từ bỏ được làm điều mình yêu thích. Ta sinh ra trong đời đâu phải để chịu khổ rồi đi. Nếu cuộc đời chỉ thế, sống làm gì cho mệt?
Do what you love, love what you do!
Chào Cô, Con rất thích những bài viết về chủ đề này. Cô có thể chia sẽ chi tiết hơn về quá trình chuyển giai đoạn không ạ, như chuẩn bị tinh thần, tài chính, mối quan hệ … Cám ơn Cô ạ