top of page

EM KHÔNG BIẾT MÌNH HỨNG THÚ VỚI CÔNG VIỆC GÌ



Bạn trẻ nghe lời cha mẹ kêu đi học ngành QTKD, thế là bạn đi thi và đi học. Học hết đại học, bạn vẫn chưa hiểu tại sao mình học ngành này, ra trường mình làm nghề gì. Bạn nhắn tin cho mình, “Cô ơi, con không biết cách tìm ra mình hứng thú với công việc gì. Con mong cô có thể chỉ dẫn cho con một chút.”


Nghe thì đứt ruột, nhưng câu này 5 năm nay nghe hỏi không biết bao nhiêu lần từ những người trẻ không được chuẩn bị đầy đủ khi chọn trường, chọn nghề. Họ chỉ biết ngoan ngoãn nghe theo lời gia đình, nghe rủ rê của bạn bè, người quen, rồi nhắm mắt chọn đại học đại, vừa học vừa mông lung tại sao mình học và học xong rồi sao nữa. Ra trường, vẫn không hiểu mình muốn làm gì, có bạn loay hoay tìm việc, có bạn làm đại rồi tính tiếp, có bạn nhảy cóc nhảy nhái từ việc này sang việc khác vì làm gì cũng thấy không hợp. Có bạn, làm cả chục năm rồi mới nhắn tin, kể mình chán nản tận cùng, nhưng không biết bản thân thích gì, không biết có còn cơ hội đổi việc không, không biết nghỉ xong có tìm được việc nào khác không vì cái sự mưu sinh….


Cả hệ một hệ thống giáo dục từ gia đình tới nhà trường như vậy là nó có work không? Nếu nó work thì tại sao chúng ta lại sản sinh ra những thế hệ không biết mình muốn gì, thích gì, nên làm gì? Tại sao chúng ta lại để cho các em phung phí bằng ấy thời gian từ trung học tới đại học chỉ để tốt nghiệp có cái bằng, rồi không biết phải làm gì tiếp theo với cuộc đời mình? Mà thôi, bỏ qua chuyện “lỗi hệ thống”, giờ vô thẳng vấn đề định hướng nghề nghiệp cho người trẻ, mình với tư cách là phụ huynh và người vì nghề nghiệp đã bôn ba khắp nơi trên thế giới, chỉ muốn chia sẻ 3 câu hỏi hết sức là đơn giản mà bất kỳ tổ chức hướng nghiệp, nhà trường hay gia đình nào cũng nên dành thời gian hướng dẫn, theo dõi và hỗ trợ cho các em, càng sớm càng tốt, tính từ cấp 2, cấp 3 chớ đừng để tới ngày chọn trường thi đại học mới rần rần lên thì không kịp.

Câu hỏi thứ nhất: Tôi là ai?

Câu này mà không giải quyết được thì cả đời cứ loay hoay, lan man trôi dạt bờ này bến kia, khủng hoảng các độ tuổi xong vẫn cứ ngơ ngác chẳng hiểu ra ý nghĩa cuộc đời mình. Câu hỏi này thật ra khi đi vào chi tiết và cụ thể thì chẳng có gì quá trừu tượng và bác học hết, đơn giàn là tôi thích gì ghét gì, tôi mạnh gì yếu gì, tôi giỏi kỹ năng gì không giỏi kỹ năng gì. Khi các em học cách nhận thức được bản thân, củng cố được kỹ năng sống thì câu trả lời sẽ ngày càng hiện ra rõ nét hơn. Đây là một quá trình, không phải một buổi học hay vài ba giờ đồng hồ suy ngẫm. Do đó, quá trình này cần được khởi động từ khi các em ở cuối cấp 2 đầu cấp 3 và cần liên tục được theo dõi, hướng dẫn, củng cố bởi gia đình và thầy cô. Còn ai lỡ qua tuổi này rồi thì nên dũng cảm restart lại quá trình này, quay về dành thời gian trả lời câu hỏi tôi là ai, vì bạn đang còn nợ bản thân câu hỏi ấy.

  • Khoá học tham khảo: Quản trị bản thân miễn phí trên blog Nguyễn Phi Vân

  • Sách tham khảo: Man’s Search for Meaning - Đi tìm lẽ sống của tác giả Viktor Frankl, Bốn thoả ước của tác giả Don Miguel Ruiz

Câu hỏi thứ 2: Tôi đang ở đâu?

Đây là câu hỏi chém vào ảo tưởng và sự mơ hồ nè. Chuyện mình thích gì, mơ gì, nghĩ ngợi mông lung kiểu gì thì cuối cùng vẫn phải đáp xuống sân bay thực tế. Trong hoàn cảnh thị trường lao động Việt Nam, trong hoàn cảnh và giới hạn của gia đình, cá nhân, bản thân mình phải đối diện với những khó khăn, thử thách, rào cản gì? Ví dụ như ba má bắt phải về quê làm việc, hay gia đình không có điều kiện phải kiếm tiền vừa nhanh vừa nhiều ngay lập tức, không có cửa ngồi mơ mộng công việc yêu thích mà hổng mấy ra tiền, hay ngành này ở Việt Nam không có cửa tìm việc ngay được, vv. Khi chúng ta hiểu được thực tế, giấc mơ của tôi và tình hình thực tế sẽ được xếp chồng lên nhau để giúp tìm ra những khoảng giao đắt giá, cụ thể hoá khả năng hiện thực ở ngoài kia trong cái bể lựa chọn của mình.

  • Sách tham khảo: Tôi, tương lai & Thế giới, Mở cửa tương lai - Tác giả: Nguyễn Phi Vân


Câu hỏi thứ 3: Tôi muốn đến đâu & Tôi cần chuẩn bị gì?

Tới đây mới bắt đầu tính tới việc hướng nghiệp bằng thứ logic hết sức dễ hiểu, tôi muốn trở thành ai trong nghề nghiệp gì, từ đây tới đó đường đi có thể bao xa, tôi cần học thêm, bổ sung, trải nghiệm ra sao, trải qua các chức danh và công việc thế nào để làm đầy đặn và phong phú kinh nghiệm trải nghiệm của mình trước khi chạm được vào thứ mà tôi mơ ước. Không có chuyện gì ngủ đêm thức dậy mà thành hết. Tất cả đều cần thời gian, quá trình rèn luyện, hành trình nổ lực cố gắng, và quan trọng nhất là cần định hướng đúng. Tất cả chi tiết này phải được vẽ ra thành kế hoạch để theo dõi, thực hiện, hiệu chỉnh liên tục trên hành trình dấn thân vào sự nghiệp.


Đời mà, tính là một chuyện, thực tế triển khai là một chuyện khác. Nghề nghiệp cũng vậy, khi ta dấn thân thử nghiệm và đụng chạm thực tế rồi thì ta mới thật sự vỡ ra những góc khuất và khúc quanh nghề nghiệp mà có thể ta chưa tưởng tượng ra khi dụng binh trên giấy. Chả sao! Mình cứ từ từ đúng tinh thần design-thining - tư duy thiết kể để giải quyết vấn đề mà tiến tới thôi. Tương lai mà, vừa đi vừa kiến tạo. Ít ra, mình có cái bản đồ thì đỡ phải lạc đường và mất thời gian. Lỡ có quẹo trái quẹo phải chút cũng sao đâu, rồi ra lại quay về đường chính.


Tổng quan là như thế. Rồi khi có thời gian mình sẽ soạn khoá Định hướng nghề nghiệp cho bản thân cho các bạn. Trong khi chờ đợi thì lo đọc sách và tham gia mấy khoá học kia trước đi nha.

8.176 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page