top of page

EM VÔ DỤNG THẬT CÔ ƠI!


Đây là trích đoạn một tin nhắn khá dài của bạn trẻ 33 tuổi đang gặp vấn đề với chính bản thân mình trong công việc. Nguyên văn thế này:


“Em chào cô. Em năm nay 33 tuổi rồi ạ, nhưng sao em vẫn nhọc lòng với mình thế không biết nữa Cô ạ! Em làm công việc hỗ trợ cho 1 công ty lớn, ngày mới vào làm, em đầy nhiệt huyết và tự tin vào bản thân rất nhiều! Nhưng sau 5 năm gắn bó, sự tự tin đó không còn nữa! Sau 5 năm gắn bó, em tự chán ghét bản thân mình! Em thường bị Sếp hỏi những câu như kết quả đã đúng chưa? Đã kiểm tra kỹ lại chưa? Đã chính xác chưa? Và những câu hỏi đó chỉ dành riêng cho em.


Em cũng tự hỏi bản thân, sao lúc nào cũng là mình vậy! Em đã làm cố gắng làm việc thật tốt. Em vẫn có lỗi lầm. Em luôn tự báo cáo những lỗi đó và cố gắng không có lặp lại! Nhưng sau những lần báo cáo nhận sai thì mọi thứ như tệ hơn Cô ah! Và những lần bị chỉ trích nặng nề từ người quản lý, em thấy bản thân sao thất bại vậy, những lời đó vào đầu vào lòng rồi bản thân mình không thể tin vào mình! Dù 1 lỗi, 2 người làm sai như nhau thì em vẫn sẽ là người bị chỉ trích! Em vô dụng thật Cô ơi!”


Thật ra, một tin nhắn như vầy thì cũng không đủ dữ liệu và hiểu đúng về sự thật đằng sau câu chuyện để đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, chuyện của em cũng không phải là duy nhất. Những câu hỏi kiểu này tôi nhận rất nhiều. Giờ chỉ chia sẻ cách tôi sẽ tư duy về vấn đề để giúp bạn tự tìm ra giải pháp cho bản thân.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Trước hết là nhìn lại bản thân mình. Nếu làm việc mà thường xuyên xảy ra lỗi, hoặc chất lượng công việc không tốt thì vấn đề cần giải quyết là bản thân. Sếp ai cũng có giới hạn chịu đựng nhất định. Hướng dẫn hoài, chỉ hoài mà lần nào cũng bị lỗi thì nổi cáu là đương nhiên rồi. Nên hiểu và thông cảm. Trong trường hợp này, bạn có thể tự đặt câu hỏi cho mình như sau:


  • Đâu là những nguyên nhân gây ra lỗi, sơ suất trong công việc? Hãy dành thời gian tập trung 1 mình để suy nghĩ và lít ra hết các nguyên nhân. Có khi là do lo việc nhà quá đâm ra lơ là. Có khi là do tính cẩu thả trước giờ. Có khi là do khi nhận việc nghe không kỹ, không hiểu đúng yêu cầu, vv. Dù là gì, thì phải chân thật đối diện với bản thân và ghi hết ra tất cả mọi nguyên nhân.

  • Để khắc phục từng nguyên nhân đó, giải pháp là gì? Chúng ta không thể làm gì cũng chung chung. Em có lỗi, sếp la, em nhận khuyết điểm và sẽ cố gắng là một thứ cực chung chung chẳng giúp được ai. Để giải quyết một vấn đề, bạn phải viết xuống cụ thể vấn đề là gì, những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề là gì. Càng cụ thể, nhìn biết làm gì ngay thì càng tốt. Ví dụ, tính em cẩu thả thì giờ em quyết định làm xong sẽ check lại mỗi công việc 3 lần trước khi nộp bài cho sếp chẳng hạn. Phải có hành động cụ thể mới được.

  • Tôi cam kết sẽ hành động việc gì, khi nào? Sau khi đã list ra các hành động cụ thể để thực hiện giải pháp thì bạn sẽ rất cần phải cam kết thực hiện có thời gian, địa điểm cụ thể. Chứ nói vậy rồi để đó chờ 3 tháng sau mới làm thì cũng bó tay. Phải hành động ngay, quyết liệt, xem lại và đo lường sự tiến bộ của bản thân. Trước mỗi lần bị 5 lỗi thì phải giảm xuống 2, xuống 1 rồi xuống 0. Chỉ có bản thân mình giúp được mình thôi. Không ai khác.


Xin phản hồi từ sếp

Có lẽ khi đi làm, cái tạo ra nhiều khó khăn nhất là kỹ năng giao tiếp với sếp. Ai cũng né sếp nhất có thể. Ai cũng nghe sếp chửi 1 chiều rồi chạy về nhà ôm hận chứ không chủ động hỏi xem tại sao sếp la, điểm yếu hay lỗi chính xác nằm đâu, cần khắc phục thế nào nhờ sếp mentor thêm. Không có sếp giỏi nào mà không hướng dẫn, coaching nhân sự của mình để họ làm việc tốt hơn cả. Khi nhân viên làm việc tốt hơn, chính xác hơn thì sếp khoẻ hơn mà. Cho nên, đừng tránh né giao tiếp. Càng bị la càng xông vào xin feedback để cải tiến, hiệu chỉnh, phát triển bản thân. Vậy mới là đi làm. Chứ ôm đầu máu chạy về nhà khóc không phải là cách. Gặp vấn đề thì phải đối diện với vấn đề và giải quyết thôi. Chỉ là vấn đề thôi mà. Giải quyết là xong chứ có gì ghê gớm lắm đâu. Làm vậy, vừa phát triển được bản thân, vừa xây quan hệ tốt hơn với sếp. Đẹp cả đôi đàng.


Nếu gặp phải sếp không tốt, thù cá nhân

Giả sử rơi vào trường hợp này thì xử khác. Con người không phải ai cũng tốt. Sếp, không phải ai cũng tốt. Cho nên lỡ xui quá gặp 1 đứa sếp nhỏ nhen, ích kỷ, ác độc, trả thù cá nhân mà họ ghét mình, đì mình, làm sao cũng không vừa mắt thì thôi. Xin chuyển công tác sang phòng ban khác hay tìm một môi trường khác mà làm. Chỉ có người không có năng lực mới ngồi im chịu cho người ta hiếp đáp mình. Người có năng lực ai mà chịu đựng. Đi làm, là để thể hiện năng lực, và để cho tổ chức phải quý trọng giá trị mình tạo ra, rồi ra sức giữ nhân tài, tạo điều kiện cho mình phát triển cùng tổ chức. Bởi vậy tôi suốt ngày cứ tập trung chia sẻ về phát triển bản thân là thế. Bản thân không có giá trị thì mấy chuyện kiểu này đi xử lý hoài vừa mất thời gian, vừa hao năng lượng, vừa chán, chẳng giúp gì cho ai. Mình mạnh lên thì thế giới xung quanh sẽ khác đi. Đừng ngồi đó trông chờ ai tốt với mình. Bản thân mình phải tốt với mình trước đã.


Gặp vấn đề, thì nhìn cho tĩnh, cho sâu, cho cụ thể vào vấn đề đó, rồi tìm cách giải quyết nó. Một đời người có hàng ngàn tỷ vấn đề. Nếu cứ gặp vấn đề là quay về trách mình vô dụng thì có mà ngồi đây cả đời để trách. Thời gian đó, để dành học tập phát triển bản thân hay hơn. Vậy em nha. Chả có ai vô dụng trên đời. Chỉ có người biết cách giải quyết vấn đề và người ôm vấn đề lăn lăn trong bể khổ mà thôi.

4.246 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page