Thời thế sẽ luôn thay đổi. Hết 4.0 rồi sẽ có 5.0, 6.0, vv và vv. Thay đổi đã là hằng số rồi. Vấn đê giờ là thay đổi với tốc độ nhanh hơn kiểu gì thôi. Khi thời thế thay đổi, kiến thức có thể trở nên lỗi thời cần cập nhật, nhưng nguyên tắc vận hành chung thì vẫn thế. Làm business cuối cùng cũng theo những nguyên tắc nền của làm business, chỉ là các kênh tiếp cận, bán hàng có thể thay đổi. Bán hàng cuối cùng cũng là bán cho con người, và nhu cầu của con người cuối cùng cũng chỉ xoay quanh tháp Maslow với những nhu cầu vật lý và tinh thần cho cuộc sống.
Vì vậy, thứ mà chúng ta cần trang bị cho bản thân và thế hệ tiếp nối cũng cần phải hết sức nền tảng, giúp con người hội nhập và chuyển đổi được theo thời thế. Thời nào rồi cũng cần mỗi cá nhân tự thân vận động, tự figure out – tìm hiểu cần phải làm gì, và tự hành động thích nghi. Những khả năng rất người, rất sống còn, rất nền tảng đó tôi gọi là khả năng trường tồn. Có được và rèn luyện tinh tế những khả năng này thì thời nào bạn cũng thích nghi và vươn lên được.
Khả năng trường tồn chia thành 2 nhóm như sau:
INNATE CAPABILITIES – KHẢ NĂNG SẴN CÓ
Đây là nhóm khả năng làm người sinh ra là đã có. Tuy nhiên, khi không được rèn luyện, phát huy có thể dần dần mờ nhạt và trở nên im lặng. Bạn tưởng mình không có. Thật ra bạn sẵn có những không biết cách sử dụng mà thôi. Những khả năng này bao gồm:
1. Imagination: khả năng tưởng tượng, nhìn sự việc từ nhiều lăng kính khác nhau và thách thức những góc nhìn hiện tại, tìm ra những khả năng rất mới, rất khác của cùng một sự việc đó.
2. Empathy: khả năng thấu cảm là khả năng hiểu và quan tâm đến cảm xúc suy nghĩ, trải nghiệm của người khác. Có thể nói đây là khả năng cơ bản nhất của con người để có thể làm được bất kỳ việc gì trong đời. Không phải ông bà ta vẫn nói, hiểu người hiểu ta trăm trận trăm thắng đó sao?
3. Curiosity: khả năng tò mò, ham học hỏi là khả năng luôn tìm tòi thông tin mới, trải nghiệm mới và luôn tìm cách tìm hiểu cho bằng được bằng cách đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh mình. Cho nên cũng nói, khi bắt người ta ngồi im học thuộc, không cho đặt câu hỏi là chúng ta đang đi ngược lại nguyên tắc về gíao dục, làm phai mờ khả năng tò mò sẵn có của con người, tước đi ở họ khả năng tự hội nhập và thích nghi.
4. Resilience: khả năng kiên cường, bền bỉ là khả năng vượt qua được mọi thử thách, khó khăn trước mắt để tiếp tục hành trình mình đã chọn. Nếu có khả năng này, thì mọi sự thay đổi dù thời nào, dù có tạo ra thử thách kiểu gì, con người rồi cũng tìm cách để vượt qua. 4.0 cuối cùng cũng chỉ là một sự thay đổi về thời thế thôi mà.
5. Creativity: khả năng sáng tạo hôm nay khẳng định lần nữa, sáng tạo là khả năng sẵn có của tất cả mọi người. Không có người sinh ra sáng tạo và người sinh ra không sáng tạo. Đây là khả năng phát minh ra cái mới, đưa ý kiến, ý tưởng mới vào ứng dụng, sử dụng nguồn lực sẵn có một cách rất khác, rất bất thường, không theo khuôn mẫu hiện có nào.
DEVELOPED CAPABILITIES – KHẢ NĂNG CẦN PHÁT TRIỂN
Đây là tổng hợp những khả năng mà con người tự học, tự phát triển thông qua trải nghiệm và ứng dụng trong hành trình sự nghiệp, cuộc sống.
1. Emotional Intelligence – Trí tuệ cảm xúc: là khả năng cảm nhận và hiểu được những cảm xúc, trải nghiệm của người khác và hiểu tại sao cảm xúc tạo ra hành vi. Do đó, khi nhìn hành vi trên bề mặt và phản ứng theo hành vi trước mắt, không hiểu ngọn nguồn tại sao người ta phản ứng như thế, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu đúng vấn đề để giải quyết. Ngược lại, mọi sự phản ứng theo hành vi bề mặt chỉ làm cho sự việc thêm rắc rối, thêm phức tạp, đổ dầu vào lửa.
2. Teaming: hay nói cách khác là collaboration – khả năng cộng tác. Đây là khả năng cực kỳ quan trọng vì nó mở ra cho bạn cơ hội làm việc, hợp tác đa chiều, với mọi người từ những tổ chức khác nhau, từ những quốc gia và nền văn hoá khác nhau. Làm được điều này nghĩa là đã trở thành công dân toàn cầu, xem mọi người dù bối cảnh thế nào cũng chỉ là một human being – một con người như mình.
3. Social Intelligence – Khả năng xã hội: đây là khả năng hiểu được cách tương tác, sự linh hoạt, chuyển động trong các mối quan hệ xã hội, và ảnh hưởng của hành vi cá nhân đến quan hệ giữa người với người. Nên con người càng được bảo bọc, ít tương tác, ít quan hệ thì khả năng này càng thiếu. Người càng tham gia hoạt động nhóm cùng làm dự án, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội, càng tương tác nhiều thì khả năng này càng ngày càng được phát triển.
4. Sense-making: đây là khả năng nhìn vào bề mặt của những sự việc, trải nghiệm và rút ra được nguyên tắc hay hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Khi có khả năng này, một người đương nhiên sẽ tự tìm tự hiểu 4.0 là gì, tại sao nó xảy ra, ảnh hưởng đến mình thế nào và bản thân, cần phải làm gì để thích nghi, vv. Nếu đã có khả năng này thì mấy chấm không đi chăng nữa người có khả năng sense-making vẫn luôn tìm được, hiểu được và dễ dàng hội nhập.
5. Critical Thinking – Tư duy phản biện: tôi đã chia sẻ quá nhiều về khả năng này. Thiếu nó, bạn trở thành người không biết suy nghĩ, lập luận, không có chính kiến và mãi mãi sẽ chỉ chạy theo ý kiến của người khác. Tư duy phản biện là khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp, và tái lập thông tin theo góc nhìn, hướng suy nghĩ của cá nhân.
6. Adaptive Thinking – Khả năng ứng dụng: đây là khả năng nhìn ra, rút ra nguyên tắc, định dạng của những sự việc mới và ứng dụng nó vào môi trường, hoàn cảnh mới. Thay vì học thuộc, nếu được dạy khả năng này, con người sẽ luôn tự mình rút ra được bài học và ứng dụng vô giới hạn vào những hoàn cảnh khác nhau sẽ gặp trong đời. Vì vậy, đây là khả năng quan trọng để hội nhập trong bất kỳ tương lai nào phía trước.
Cuối cùng, để hội nhập và tiếp tục hành trình phía trước dù tương lai ra sao, dù máy sẽ trở nên thông minh thế nào, dù thời thế có thay đổi thành mấy chấm, con người muốn hội nhập vẫn cứ phải giữ chặt nền tảng làm người. Chúng ta có được dạy để làm người? Chúng ta có đang phát triển bản thân mỗi ngày để rất người? Chúng ta có đang học cách hội nhập như một con người trong tương lai sẽ mãi mãi là bất định? Câu hỏi dành cho bạn. Và câu trả lời chỉ có mỗi người tự tìm ra cho chính bản thân mình.
コメント