top of page

Kỹ năng nhận biết thực trạng



Rất nhiều lần mình ngồi nghe các bạn trẻ trình bày về chiến lược. Chiến lược là tốt, vì nó chỉ cho ta biết cần làm gì và kết quả hướng đến ra sao. Nhưng hai từ “chiến lược” cũng bị lạm dụng thái quá khi người ta nói về những điều lớn lao trên giấy, những giấc mơ có cánh và chân không chạm đất.

Thường thì, người trẻ thích nói về những điều lớn lao và hào nhoáng, vì nó cho ta cảm giác là mình vĩ đại hơn. Càng lớn lên, người ta càng hiểu ra, sự vĩ đại nằm ở chỗ có khả năng biến chuyện phức tạp thành đơn giản, biến lời nói lớn lao thành việc làm cụ thể, biến giấc mơ bay bay thành hành động thực tế. Nghĩ, thì vẫn nghĩ. Nhưng làm, thì phải làm. Không chỉ ngồi đó nghĩ về những điều lớn lao, mà phải dấn thân vào những bước cỏn con để hiểu điều mình nghĩ nó có đúng không, có ứng dụng được không, đưa vào thực tế nó có hợp lý không hay vì quá bay bổng mà chẳng ai hiểu nổi. Think - nghĩ là tốt, vì khi khi dành thời gian suy nghĩ, ta sẽ nhìn ra nhiều góc của một vấn đề. Nhưng overthink - suy nghĩ quá mức sẽ khiến con người ta trở nên rối tung rối mù, hoang mang lo sợ, và tệ nhất là sợ đến nỗi không còn dám làm gì nữa. Người overthink sẽ ngồi đó nghĩ mãi, càng nghĩ càng sợ, càng sợ càng thất chí. Và cứ thế, cả đời chỉ ngồi đó tự hù doạ bản thân thôi chớ chẳng dám làm gì.

Ngược lại, người chỉ lao vào làm mà không dành thời gian suy nghĩ, tư duy về vấn đề đủ để có thể nhìn thấy rõ tất cả các giác diện của nó, từ nguy đến cơ, từ hay đến dở, từ tích cực đến tiêu cực, sẽ vất vả đối diện với nhiều rủi ro, khó khăn một cách bất ngờ không cần thiết. Vì không suy nghĩ, có định hướng và plan dự phòng, họ sẽ lao vào giải cứu chuyện vặt vãnh, rồi xà quần trong đó đến nỗi quên cả mục tiêu quan trọng nhất của bản thân. Rồi một ngày nắng nhẹ lên cao, họ sẽ hốt hoảng nhận ra, “Ơ, mình đang làm gì thế này?” Và giây phút vỡ lẽ đó đã lấy đi của họ một cơ số đơn vị thời gian, có khi là 5 năm, 10 năm, vài chục năm. Theo lý thuyết the sunk cost fallacy - nguỵ biện chi phí chìm, khi đã bỏ bất cứ thứ gì quá nhiều đầu tư vào một thứ gì đó khác, dù điều đó có make sense - có logic, có hợp lý hay không, thì người ta cũng vì quá tiếc nuối thứ đã bỏ ra mà tiếc nuối, níu kéo, không dám thú nhận mình đã lỡ, không dám cắt bỏ cái đã sai, không nỡ và cố tình tìm đủ mọi cách để biện minh cho cái hố to mà mình đang chìm vào. Đó, chỉ là vấn đề đương nhiên về tâm lý.

Cho nên, nghĩ thì đầu cứ nghĩ, nhưng làm thì tay vẫn cứ phải làm, chân vẫn cứ phải bước đi. Chỉ có sự kết hợp nhịp nhàng của nghĩ và làm mới có thể giúp cho người ta suy nghĩ thực tế hơn, làm một cách có chiến lược và kế hoạch hơn, và hiệu chỉnh, cân bằng giữa lý thuyết và thực tế một cách hiệu quả nhất. Đừng nói về điều lớn lao vĩ đại khi tay chân không động đậy. Cũng đừng lao vào làm mà không không biết bản thân đang làm gì và làm để làm chi. Đừng nói về chiến lược vận hành khi ngay dưới chân ta cái cửa hàng nó vừa lộn xộn vừa dơ. Cũng đừng suốt ngày chỉ cầm cây đi lau sàn mà không biết phải làm sao cho sàn nó auto sạch ở tất cả mọi nơi mà ta đang quản lý. Khi nói, phải reality check - kiểm tra xem thực tế nó đang như nào. Đừng đứng ở một nơi rất dơ để nói về chiến lược sạch. Hãy làm cho nơi đó sạch đã, rồi kể lại chuyện mình đã phải lau sàn như thế nào, và vì vậy cần phát động kế hoạch back to basis - trở lại với những điều cơ bản nhất, giữ cho chi nhánh sạch ra sao.


Trong cuộc sống, trong sự nghiệp, trong tất cả mọi thứ ta trình diễn với thế giới bên ngoài, ta cần cả làm được và nói được. Nhưng cứ phải làm trước đã, vì thứ ta nghĩ chưa chắc là đã đúng, cho đến khi ta làm thử và chợt nhận ra…. Ngược lại, nếu cứ làm làm mà không hiểu cách rút ra bài học, cách nhân bản sự thành công, cách delete những thử nghiệm chưa hợp lý, thì ta đang không làm mà đúng hơn là bị xô đẩy vào cái guồng tự nhiên của sự phản ứng, một cách vô ý, vô minh, vô định. Vì vậy, trước khi trình diễn và bắt đầu chiến lược bềnh bồng, thiết nghĩ các bạn trẻ nên hỏi mình vài câu hỏi như sau:

  • Thực trạng vấn đề này đang thế nào?

  • Hành động thực tế và ngay lập tức tôi có thể làm để sơ cứu nó là gì?

  • Từ cú fix thời gian thực đó và từ việc tìm hiểu, suy nghĩ về nó, tôi nghiệm ra gốc rễ vấn đề là gì?

  • Để có thể giải tận gốc vấn đề này, tôi cần làm gì, cần nguồn lực hỗ trợ như thế nào, qua bao nhiêu giai đoạn, và ai sẽ là người sống chết để giải cho xong vấn đề?

  • Tôi ra quân khi nào, chốt chặn đầu tiên cần phải đến là gì?

  • Tôi và quân của mình đã sẵn sàng chưa? Cần lên tinh thần hay sắm thêm công cụ gì nữa hay không?


Nhớ là, sẵn sàng rồi mới xuất phát, đừng mang quân ô hợp, khập khiễng đi đánh một trận cần sự tinh nhuệ. Cứ phải luyện quân cho tới đã.


Vậy nha các bạn trẻ. Xin đừng nói về những điều lớn lao khi chân chưa chạm đất. Xin đừng nói về chiến lược này nọ khi việc cơ bản nhất vẫn không xong. Đừng dụng binh trên giấy. Có khi ta cần bước ra khỏi căn phòng chiến lược kia để thấy chân lấm tay bùn. Có khi, ta nên bắt đầu từ thực trạng và rèn luyện cho mình kỹ năng nhận biết thực trạng trước khi bắt đầu làm bất kỳ điều gì khác....

3.644 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page