top of page

KỸ NĂNG ĐỐI THOẠI

Đã cập nhật: 27 thg 6, 2022



Mình nghĩ, là người thì ai cũng biết nói, biết trao đổi, biết chuyện trò. Sai! Làm người thì ai cũng biết nói, nhưng đối thoại lại là một kỹ năng cần phải học chớ không phải ai cũng biết.


Có người chỉ biết độc thoại, nghĩa là miễn sao mình được nói thì thôi, còn ai nghe không nghe, ai muốn nói gì chia sẻ gì kệ người ta, bản thân không quan tâm. Mà trên đời người như vậy mình gặp rất nhiều. Họ có thể thao thao bất tuyệt về tất cả những gì liên quan đến bản thân, và họ chỉ có một mong muốn duy nhất là có khán giả. Họ giống như cái đài phát sóng vậy. Cứ có khán giả, thính giả là phát một cách hết sức auto, mặc cho người nghe phản ứng hay cảm xúc ra sao. Chỉ cần được phát là họ đã lắm rồi. họ cũng không có nhu cầu lắng nghe phản hồi hay ý kiến gì của ai. Như vậy gọi là độc thoại, không phải đối thoại. Và những người kiểu này gặp người mới thì họ còn lịch sự hoặc quan tâm ngồi nghe. Được vài lần họ sẽ ngán ngẩm tránh xa, không tự nguyện làm khán giả bất đắc dĩ nữa.


Có người nói thì cũng có người ngược lại, không nói. Không nói có khi là không dám nói, không đủ tự tin để nói, không biết phải nói gì, hoặc có khi là không muốn nói, không muốn giao tiếp. Trừ phi bạn làm trong môi trường không cần tiếp xúc với ai, đã sống trong xã hội này, đã làm việc trong một tổ chức, công ty, dự án gì thì cũng phải có giao tiếp, có trao đổi, có cộng tác. Do đó, nếu không có kỹ năng đối thoại thì làm sao giao tiếp với ai? Nếu phải tham gia một buổi giao lưu, tiệc tùng, họp hành gì đó có nhiều người thì bạn ứng xử thế nào? Không lẽ mình trốn hết không liên quan gì? Vậy thì chỉ còn cách sống ẩn dật chứ làm sao hoà nhập được vào môi trường xã hội?


Cho nên, thật ra đối thoại là kỹ năng cần học và có thể học được, cho dù bạn đang ở trong trạng thái như thế nào. Muốn đối thoại tốt, cần chú ý rèn luyện những khả năng sau:

- Hiện diện: Rất nhiều người thân ở đó tâm không ở đó. Có khi đang nghĩ chuyện khác. Có khi đang lo bằng điện thoại. Có khi không quan tâm đến sự hiện diện của người đối diện. Khi thân ở đó mà tâm không ở đó thì coi như bạn không hiện diện. Mà đã không hiện diện thì cái thân ở đó cũng vô ích. Mình còn không có mặt ở đó thì đối thoại cái kiểu gì? Cho nên, không đến thì thôi. Nếu đã đến thì làm ơn dẹp hết chuyện khác qua một bên và hiện diện trong thời khắc đó. Đừng lãng phí thời gian của bản thân và người khác.


- Lắng nghe: muốn đối thoại, trước hết mình phải biết người ta đang nói gì, ý kiến và tâm thế ra sao, cảm xúc đối với chủ đề đó thế nào thì mới có thể đồng tình, đặt câu hỏi, không đồng ý, vv. Chuyện người ta nói mình còn không nghe, không biết thì làm sao câu chuyện có thể tiếp diễn được. Mình chỉ nói không thì thành độc thoại. Mình không nghe gì hết thì biết gì để nói. Lắng nghe tích cực để nắm bắt vấn đề người khác đang trao đổi là điều hết sức quan trọng để có thể bắt đầu đối thoại.


- Tham gia vào câu chuyện: khi ai đó đang nói hay trao đổi gì với mình mà mình lặn im bất động, người ta sẽ cảm thấy mình đang không tham gia. Khi bạn đã không tham gia thì không có đối thoại. Cho nên, trong lúc lắng nghe, mình nên bày tỏ thái độ, đặt câu hỏi, làm rõ ý nào chưa hiểu, hoặc co-talk - vì hiểu và đồng tình mà đôi khi lặp lại hay hoàn thành ý của người đang chia sẻ cùng với họ. Phản ứng của mình trong lúc việc trao đổi diễn ra sẽ giúp cho người nói cảm nhận sự tham gia và hiểu rằng nó là một cuộc trao đổi chứ không phải là độc thoại. Thường thì, khi chia sẻ mà không ai lắng nghe, không ai quan tâm, không ai phản ứng gì hết thì người nói sẽ không tiếp tục, và cuộc đối thoại coi như chấm dứt.


- Chia sẻ ngắn thôi: đã gọi là đối thoại thì phải có người nói qua kẻ nói lại. Một đứa nói quá dài đến nỗi đứa kia ngán ngẩm im luôn thì nó thành độc thoại rồi. Cho nên, chia sẻ ngắn thôi, đúng điểm cần trao đổi, cho người đối diện khoảng không để tham gia nữa. Đừng có dành hết sân khấu và thời gian rồi thao thao bất tuyệt, không cho ai tham gia. Vậy thì tự livestream tự nói đi, đừng đi tìm một cuộc đối thoại.


- Cất điện thoại: thứ hại nhất trong giao tiếp là điện thoại. Con người mình bị bệnh ghiền điện thoại, ghiền noti rồi. Làm gì cũng phải liếc nhìn điện thoại xem có gì mới không. Nghe noti một phát là chụp ngay điện thoại như là sợ mình bị trễ cập nhật vậy. Trong khi câu chuyện và con người ngay trước mặt mình thì mình không quan tâm. Không quan tâm thì gặp họ làm gì? Không quan tâm thì đến đó làm gì mất thời gian vô ích? Đôi khi bạn cần chọn lựa, đối thoại với cái điện thoai hay đối thoại với con người đang ngồi trước mặt mình. Đừng có ở hai ba nơi cùng một lúc, vì điều đó có nghĩa là bạn chẳng ở đâu.

Chia sẻ vài thứ nguyên tắc đơn giản vậy thôi cho những ai muốn đối thoại. Và đối thoại là một kỹ năng quan trọng giúp bạn xây dựng quan hệ bền vững, cộng tác hiệu quả với con người, và trở thành lãnh đạo giỏi. Trừ phi bạn không muốn phát triển thì thôi. Đã muốn, thì cần học kỹ năng này.


9.127 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Ngày hết hạn

bottom of page