top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH CÓ PHÙ HỢP VỚI CÔNG VIỆC HAY KHÔNG?



Câu này chắc ai cũng đã từng hay đang hỏi mình, nhất là các bạn trẻ. Nhưng làm sao gọi là phù hợp cơ chứ? Là ai phù hợp với ai? Là mình hợp với tổ chức hay tổ chức hợp với mình? Hay cả hai hợp với nhau? Là mình hợp với công việc hay công việc hợp với mình? Hợp là hợp tại thời điểm này hay trong tương lai, hay hợp với giấc mơ và khát khao của mình dù hiện tại còn hơi gập ghềnh trong mong đợi? Hợp là mình dư mình đủ khả năng xử lý mọi việc trong 30 giây hay hợp là mình còn ngấp nghé cái ngưỡng làm chưa tới nhưng đang được đắp thêm năng lực để mà làm tới? Hợp là mình nghĩ nó hợp dù kết quả chưa hợp lắm hay hợp là mình chạy số ra kết quả ào ào nhưng thật ra cảm thấy chẳng liên quan gì tới cái tổ chức này? Chỉ là một chữ hợp thôi, nhưng mà nó có thể hàm chứa rất nhiều ý nghĩa khác nhau trong đó. Cho nên, có lẽ cách tốt nhất để tự mình tìm ra mình có hợp hay nên là cách tự bản thân ta trả lời câu hỏi cho chính bản thân mình.


Tôi cần / muốn một công việc như thế nào trong giai đoạn này?

Mỗi người, tại mỗi thời đoạn cuộc sống, mong muốn những điều rất khác nhau. Có người đi làm chỉ để kiếm tiền, vì tài chính đang là vấn đề quan trọng và ưu tiên nhất trong cuộc sống. Nếu vậy thì họ chỉ cần tìm một công việc mang lại thu nhập cao nhất có thể so với giá trị của họ trên thị trường. Và điều đó chẳng có gì sai, khi họ cần tiền để trang trải chi phí và giải quyết những khó khăn lớn trong cuộc sống hiện tại. Có người đi làm để có thêm cuộc sống xã hội, thu nhập không quan trọng, chủ yếu là để không phải bị nhốt trong nhà làm bà hay ông nội trợ để rồi cảm thấy mình bị tụt hậu về kiến thức, kỹ năng. Có người trong giai đoạn này phải lo chuyện chăm sóc người bệnh, người già, gia đình, người thân, nên thời gian cá nhân đối với họ là quan trọng nhất. Đã vậy, thì công việc nó chỉ đóng vai trò ưu tiên số 2 hay vai phụ. Tìm công việc gì nó nhàn nhàn, dễ dễ, thời gian thoải mái là vừa đẹp. Nhưng cũng có người đi tìm sự thăng tiến, cơ hội phát triển bản thân, khả năng scale up bản thân trong môi trường thử thách, vv. Khi đó, họ tập trung vào tìm cho mình công việc đầy thử thách, dù có hơi quá tay hay áo có hơi quá rộng để họ ép bản thân mình phải lớn lên.


Không có một công thức chung cho việc bạn phải tìm công việc ra sao trong thời điểm thế nào, vì hoàn cành mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Khi sự nghiệp là ưu tiên số 1, ưu tiên hàng đầu, ưu tiên quan trọng nhất trong đời thì bạn sẽ dồn hết thời gian, năng lượng, sự tập trung vào đó. Nhưng cũng rất nhiều khi, cuộc đời mà, nó sẽ không bao giờ thẳng hàng hết cả. Sẽ có lúc trong đời quan trọng nhất là sức khoẻ, là người thân, là chữa lành vết thương cho bản thân, là học tập để lên level mới, là thay đồi định hướng và ngành nghề, vv. Khi ưu tiên hàng đầu không phải là sự nghiệp hiện tại mà là bất kỳ điều gì khác, việc bạn chọn công việc và tổ chức sẽ đi theo tiêu chí làm thế nào có thể hỗ trợ tốt nhất cho ưu tiên đó của bản thân. Mọi việc đơn giản vậy thôi. Không nên muốn quá nhiều hay cố dồn hết tất cả khát khao vào một chỗ làm. Điều đó chỉ khiến bạn stress quá mức mà có khi gục ngã hay bỏ cuộc. Thời nào, mục tiêu liên quan, lựa chọn phù hợp. Không có công thức gì bạn phải ép mình theo.

Đâu là tổ chức đang có công việc tôi cần với văn hoá doanh nghiệp tôi mong muốn?

Giống như đi siêu thị thôi, phải lên cái list cần gì rồi mình mới đi shopping được chứ. Thành ra, vấn đề chưa bao giờ là tìm job gì ở đâu cả. Vấn đề là công việc mình đang tìm là công việc như thế nào. Bản thân phải rất rõ về điều đó thì mới tìm được cái gọi là phù hợp. Phù hợp là nó phù hợp với mong muốn hiện tại trong giai đoạn hiện tại. Nếu chưa trả lời xong câu 1 thì thật ra là không nên đi tìm việc, vì biết tìm việc gì cho nó hợp đây?

Còn khi đã rõ rồi thì dễ thôi. Lúc này mình mới đi tìm nơi đáp ứng được thứ mình cần, với môi trường văn hoá sẽ giúp mình như cá gặp nước. Nhiều khi job đúng mà môi trường sai, môi trường toxic quá cũng chết. Vô đó chưa làm gì mà đã thấy muốn tụt mood thì thua. Job phù hợp mà môi trường không phù hợp cũng chán nản chia tay sớm mà thôi. Cho nên, ở đây có 2 giai đoạn, một là tìm hết tất cả các nguồn có job phù hợp với mong muốn trong giai đoạn hiện tại. Hai là khi đi phỏng vấn sẽ tìm hiểu thêm về văn hoá, môi trường làm việc xem nó có fit với mình không. Tới đây thì bạn đã đi được một nửa đoạn đường và đưa ra được lựa chọn có thể gọi là phù hợp nhất theo lý thuyết.


Giữa suy nghĩ và hiện thực chênh nhau bao nhiêu độ?

Nói gì nói, giữa cái mình nghĩ và thứ mình cho là trong vài ba buổi phỏng vấn siêu tốc thì chẳng thể nào là đủ để mà mình biết hết, hiểu hết, cảm nhận được hết hiện thực. Thành ra, khi và chỉ khi ta bước một chân vào cái job và cái nơi được đánh giá theo lý thuyết là phù hợp kia, ta mới thật sự hiểu ra đó có thật sự là nơi ta sẽ thuộc về. Độ chênh giữa suy nghĩ và hiện thực là chuyện đương nhiên. Ở đâu cũng vậy. Thời nào cũng vậy. Do đó, việc bạn nhận ra hiện thực nó không như là ta nghĩ cũng là chuyện hết sức bình thường. Nếu điều đó xảy ra thì mình đành chia tay sớm đỡ đau khổ mà thôi. Còn nếu giữa lý thuyết và hiện thực độ chênh nó chấp nhận được thì mình từ từ hiệu chỉnh mà thôi. Đâu có ai hay nơi chốn nào mà nó được làm sẵn ra để fit vô cái hình hài rất cá nhân hoá của bạn được. Dù gì thì vẫn phải mài chỗ này, xén chỗ kia, đắp chỗ nọ đôi chút để mà vừa vặn với nhau. Đừng mong mỏi là mọi thứ cứ phải như là hoa hồng và Champagne. Đường có gập ghềnh hay lồi lõm chút âu cũng là chuyện bình thường. Tâm thế mình OK thì nó OK. Tâm thế mình chênh vênh thì nó chênh vênh. Thế thôi!


Cho nên, chênh quá thì chịu. Còn chênh ít thì chịu khó mài dũa chút cho nó từ từ bớt chênh là được.

Tôi có hội nhập và triển khai công việc đúng KPI hay yêu cầu của tổ chức không?

Qua được cái đoạn vượt qua độ chênh rồi thì giờ tới đoạn hợp thức hoá bằng chất lượng nè. Tổ chức yêu cầu vậy, bạn làm được không? Tổ chức đưa KPI vậy, bạn chạm vào, chới với, hay qua mặt? Năng lực của bạn sẽ được hợp thức hoá bằng kết quả thực tế, và trên đời này thì không có thứ gì nó thuyết phục bằng kết quả thực tế cả. Mình nói gì thì nói, thì cũng là lời nói. Cuối cùng, mình vẫn phải show ra là mình đã làm được gì theo mong đợi của người ta. Đừng chơi trò đổ thừa. Chấp nhận cuộc chơi thì game on, tìm mọi cách để hoàn thành. Không thì đi ra. Đừng vừa chơi vừa đổ thừa hoàn cảnh này nọ khiến mình không hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu thật sự môi trường đó nó quá chuối khiến mình không cách nào hoàn thành nhiệm vụ thì thẳng thắn mà nói ra ngay từ đầu. Thiếu điều kiện cần làm sao tôi làm được? Nói thẳng nói thật và nói sớm là tốt nhất. Đừng chờ tới khi kiểm tra kết quả mới rón rén đổ thừa thì nó đã quá muộn rồi. Nói gì người ta cũng không nghe.

Tới đây, hợp hay không hợp thì quá rõ. Có khi là vì bạn không perform - tạo ra kết quả. Có khi là vì tổ chức không tạo đủ kiều kiện để bạn tạo ra kết quả. Không sao cả. Còn nego - đàm phán để hiệu chỉnh được thì mình đàm phán, không thì thôi cũng chẳng sao. Cuộc sống mà, có này có kia, lúc nọ lúc kia, không chung đường âu cũng là chuyện bình thường. Không hợp thì mình chia tay, đi tìm nơi hợp hơn mà cộng tác. Vậy thôi!


Tôi có vui vẻ, hạnh phúc khi tham gia vào môi trường và khi làm việc không?

Cuối cùng, và quan trọng nhất, là khám cái cảm xúc của trái tim. Làm gì làm, hợp tình hợp lý ra sao không biết, khi mình cảm thấy không vui, không hạnh phúc, thậm chí còn ngược lại thì nó sai rồi. Tiền có thể đúng. Cơ hội có thể đúng. Nhưng nếu mình struggle - khổ sở trong môi trường làm việc đó, với những người cộng sự ở đó thì nó sai quá sai. Mình đi làm Ok thì là để tìm cái thứ gì đó phù hợp theo nhu cầu hiện tại của mình, nhưng nếu chỉ để đạt được điều đó mà hy sinh sức khoẻ tinh thần thì không đáng. Khi sức khoả tinh thần không tốt thì bạn đang hành hạ chính bản thân mình. Mà khi đã vô thế sức khoẻ cạn kiệt rồi thì đừng nói việc làm, thứ gì khác trong đời bạn cũng làm không nổi. Sống không nổi, sống không có ý nghĩa thì công việc có lợi ích gì? Đừng đánh đổi linh hồn mình vì một sự phù hợp lý tính. Không đáng!


Thành ra, phù hợp hay không phải xem rất nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật và kỹ năng. Dành thời gian cho bản thân để trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn gạn lọc bớt sai lầm trong lựa chọn và hiểu rõ hơn về chữ why - tại sao bạn đưa ra một lựa chọn. Phù hợp, là từ có rất nhiên biến số, theo thời điểm, theo khả năng, theo mô trường, văn hoá, và đặc biệt là theo mục tiêu cuộc đời rất riêng tư của mỗi người….


7.917 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page