top of page

LOÀI CẢM XÚC



Trong cuốn sách The Laws of Human Nature (Những Quy Luật của Bản Chất Con Người) của Robert Greene, xuất bản năm 2018, tác giả viết về 18 quy luật liên quan đến bản chất con người. Có thể nói, đọc xong thì bạn sẽ giải thích được rất nhiều chuyện kỳ cục, tại sao lại như thế, gì vậy trời về cách hành xử của con người. Có những thứ trước giờ mình , hả, ủa là sao, ủa hông hiểu luôn thì đọc xong mình sẽ à, ừ, thì ra thế vì thật ra, những hành vi đó cũng chỉ là từ bản chất mà ra thôi. 


Sách thì có tới 18 quy luật, đủ kiểu hỷ nộ ái ố, ví dụ như Quy luật của tính tự ái, Quy luật của việc đóng vai, Quy luật của sự thèm muốn, Quy luật của tầm nhìn ngắn hạn, Quy luật của sự đố kỵ, vv. 18 quy luật cái nào đọc cũng rất đời rất thực tế nên mọi người cứ từ từ tìm đọc. Trong 18 thì mình hay lấy quy luật thứ nhất ra để làm ví dụ khi chia sẻ về chủ đề nhượng quyền. Quy luật thứ nhất là: The Law of Irrationality – Quy luật của Sự Phi lý trí. Ý là, con người thật ra không hành xử dựa trên lý trí như họ tưởng. Phần lớn quyết định được đưa ra bởi cảm xúc, định kiến, tổn thương trong quá khứ và vô thức. Robert Greene nhấn mạnh rằng sự phi lý trí là bản chất gốc rễ của con người, và nếu không ý thức được điều này, chúng ta dễ bị cảm xúc chi phối, dẫn đến những sai lầm tai hại trong công việc và đời sống.


Nói cho nông dân dễ hiểu hơn là, thật ra con người mình ra vẻ có học hành tính toán, có tư duy logic, có nghĩ ngợi tận tường này nọ trong cái vỏ bọc bề ngoài thôi chớ thật ra là vô cùng cảm tính, dễ bị dụ. “Phi lý trí” nghĩa là mình hay quyết định theo cảm xúc, theo cảm tình, theo thói quen… là chính. Ví dụ, thấy ai cũng rần rần đi học một khoá làm giàu nào đó cái mình FOMO, sợ bị mất cơ hội, sợ bị nghèo, sợ không kiếm được cách làm giàu như người ta nên cỡ nào giá nào cũng cố đóng tiền đi học. Thật ra thì mấy ông bà dạy làm giàu đó họ làm giàu trên chính sự mê muội và cảm xúc của bạn thôi. Họ bán nỗi sợ hãi. Họ bán sự thèm muốn. Họ bán tầm nhìn ngắn hạn. Họ bán nhận diện ảo tưởng về sự vĩ đại của bản thân. Họ bán sự đố kỵ. Và Voilà! Đánh trúng hết tất cả mấy cái huyệt tử về bản chất của con người. Họ là phù thuỷ về thao túng tâm lý. Không thể chối cãi là họ quá trời giỏi, vì đã biết cách đóng gói sản phẩm tâm lý với chi phí 0 đồng nhưng lại khiến bạn tự nguyện và khao khát được dâng hiến hết đồng tiền cất công kiếm được từ công sức lao dộng thực thụ của chính mình. Và rồi họ tay cầm tiền, mồm cười khẩy vào cái sự ngu ngốc, mê muội, và dễ bị xỏ mũi của bạn. Bạn là con mồi. Và đặc biệt khi bạn đang ở trong những trạng thái tâm lý yếu ớt như mất phương hướng, loay hoay, mắc kẹt, hoài nghi bản thân, vv, bạn sẽ là những con mồi dễ săn nhất. 


Nhân tiện, tất cả những thứ tôi vừa kể ở trên đều nằm trong 18 quy luật về bản chất con người. Đây, liệt kê ra đọc chơi cho nó ngỡ ngàng:


1. Quy luật của sự phi lý trí – Con người hành xử phần lớn theo cảm xúc, không phải lý trí 

2. Quy luật của tính tự ái – Ai cũng có xu hướng nghĩ về bản thân 

3. Quy luật của việc đóng vai – Mọi người đều đeo "mặt nạ xã hội" 

4. Quy luật của hành vi cưỡng chế – Chúng ta thường lặp lại những kiểu hành vi theo thói quen hoặc quá khứ 

5. Quy luật của sự thèm muốn – Chúng ta thường khao khát những gì khó với tới 

6. Quy luật của tầm nhìn ngắn hạn – Con người dễ bị cuốn vào cái lợi trước mặt 

7. Quy luật của sự phòng thủ – Người ta sẽ phản kháng nếu cảm thấy bị ép buộc hay chỉ trích

8. Quy luật của sự tự hủy hoại – Nhiều người thất bại vì tự huỷ hoại chính mình 

9. Quy luật của sự dồn nén – Cảm xúc bị dồn nén lâu ngày sẽ trồi lên bất ngờ, gây hậu quả xấu 

10. Quy luật của sự đố kỵ – Ganh tỵ là cảm xúc tự nhiên nhưng nguy hiểm 

11. Quy luật của sự vĩ đại hóa bản thân – Khi đạt chút thành công, con người dễ nghĩ mình “bất bại”

12. Quy luật của sự cứng nhắc giới tính – Nam và nữ đều có những đặc điểm tâm lý khác nhau 

13. Quy luật của sự vô mục đích – Nếu không có mục tiêu rõ ràng, bạn dễ bị cuốn theo cuộc sống, đánh mất phương hướng

14. Quy luật của sự tuân thủ – Đám đông có sức mạnh điều khiển hành vi cá nhân

15. Quy luật của sự thay đổi lòng người – Tâm lý con người thay đổi theo thời gian 

16. Quy luật của sự hiếu chiến – Mỗi người đều có phần “hiếu chiến” trong mình 

17. Quy luật của tầm nhìn thế hệ – Chúng ta bị ảnh hưởng bởi thời đại và thế hệ mình sinh ra

18. Quy luật của sự phủ nhận cái chết – Ai cũng sợ chết và thường né tránh nghĩ đến nó 


Rồi giờ bạn nói đi, đọc xong cái sớ đó thì có phải là thấy ngay cái cách mà bản thân hành xử và cả cái kiểu mà con người quanh mình hành xử là nó thuộc về bản chất hết đó, không có gì quá sức lạ lùng khó hiểu ở đây. Ai hiểu ra thì sẽ chọn cách tu sửa, thay đổi bản thân để mình sống có nhận thức hơn, hay nói cách khác là ngộ ra hơn, ít bị dẫn dụ và thao túng hơn. Ngược lại, khi bạn vẫn ở trong sự mê muội và chưa hiểu ra bản chất của vấn đề thì, bạn sẽ mãi mãi là con mồi tâm lý của những kẻ biết thao túng. Đó cũng là lý do vì sao ba chuyện lừa đảo bị khui ầm ầm nhưng người ta vẫn cứ bị lừa đảo mỗi ngày. Nhiều khi đọc tin xong lắc đầu, trời vậy mà cũng tin, nhưng người ta vẫn cứ tin đấy thôi, vì họ cũng chỉ bị dẫn dắt bởi những kẻ biết cách thao túng chính bản chất của họ. 


Ngược lại, ở một vế đối lập, mình cũng cần hiểu là con người ta bản chất là như thế, và vì vậy đương nhiên sẽ có những hành vi tương ứng. Cho nên, khi thấy hành vi đó xuất hiện, mình cũng đừng quá bất ngờ và ngạc nhiên, vì đó là chuyện đương nhiên mà. Họ không hành xử như vậy mới là lạ á. Và khi hiểu họ đương nhiên sẽ như thế, ví dụ vì họ rất cảm tính, họ phi lý trí, cho nên trong hợp tác, họ có thể quyết định mua nhượng quyền chẳng hạn vì thích bạn lúc đó thôi, chẳng hỏi gì hay xem kỹ con số, điều kiện, điều khoản, khả năng và ngân sách của bản thân, vv. Tới hồi vô việc tự nhiên thấy sao khó quá, kiếm tiền cũng không dễ, làm cũng hơi đuối thì la làng lên, đổ thừa tùm lum, chỉ trích đủ điều, chuyện nhỏ xé ra to, nói những thứ cực cảm tính chớ chả có data dữ liệu gì ở đây…. Trong quan hệ nhượng quyền gọi cái thời 1 là thời trăng mật khi mọi sự nó lãng mạn, hoa hồng & champagne, dâng trào cảm xúc. Nhưng khi qua đoạn tiếp theo là đối diện với dưa cà mắm muối thì ôi thôi, quan hệ có thể sình lên tới mức và phi lý tới mức người ta bỗng nhận ra sứ mệnh trong cuộc đời này của họ là sinh ra để tiêu diệt bạn. Có hôn? Không phải chỉ quan hệ nhượng quyền. Tất cả mọi loại quan hệ trong đời đều có cái mô tuýp như thế cả nếu nó không được quản trị một cách chủ động. 


Rồi giờ sao? Hiểu thì phải học chứ sao nữa? Học gì? Học quản trị bản thân, học quản trị cảm xúc, học cách quản trị rủi ro khi làm việc với loài người, và quan trọng hơn nữa là học cách chuẩn bị để quản trị những rủi ro đó trước khi nó xảy ra, điều chuyển năng lượng phi logic của nó để nó chuyển hoá thành thứ khác chứ không phải là những trận chiến vô lý, tầm phào, chả giúp gì được cho ai và lưỡng bại câu thương - cả hai đánh nhau để tự ngã lăn ra, cả hai không bị thương thì cũng chết. Chi khùng dữ vậy? Rảnh quá hay sao? Không lẽ bạn sinh ra trong cuộc đời này là để làm ba chuyện vô tích sự như thế? Ờ mà cũng có người muốn vậy. Fine! Thì cuộc đời của bạn mà. Bạn muốn sống sao sống. Nhưng đã thế thì đừng trách cứ ai khi bản thân cứ quay cuồng trong những con sóng vô minh…. 


Học thì tôi đã soạn 3 khoá miễn phí cho cộng đồng sẵn trên blog của mình đây:


Comments


Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page