Nhân đọc quyển Principles - Nguyên lý của Ray Dalio hay quá, xin chia sẻ tóm tắt các nguyên lý của người thành công và có tầm ảnh hưởng dạng top thế giới, người mà Bill Gates phát biểu là có tầm ảnh hưởng lớn đến chính ông. Thật ra, sau khi đọc câu chuyện gian nan ông đã trải qua, đọc những chia sẻ về sai lầm và thất bại trong suốt hành trình sự nghiệp để đứng được ở vị trí hôm nay, nhìn thấy hành trình của tất cả chúng ta. Chỉ là, có người lựa chọn kiên định, chấp nhận rủi ro và có người chọn an toàn, thế thôi. Như Ray chia sẻ, bạn có thể chọn an toàn và sống một cuộc đời bình thường, hoặc bạn có thể chọn băng qua khu rừng nguy hiểm, có nhiều rủi ro, sang bên kia rừng và sống một cuộc đời rạng rỡ. Lựa chọn là của bạn. Lựa chọn sao cũng được, nhưng cái gì cũng có giá của nó.
Trải qua nhiều gian nan trong đời để thành công, theo Ray, là nhờ ông đã xây dựng và đưa ra quyết định theo những “nguyên lý” sống và làm việc của mình. Lắng nghe người thành công này chia sẻ xem những nguyên lý đó là gì nhé. Trong bài post này, chúng ta sẽ chỉ phân tích nguyên lý 1 trước vì nội dung khá dài.
Nguyên lý 1: Embrace reality & deal with it - Chấp nhận thực tế và đối diện với thực tế đó
Theo ông, cuộc đời như một trò chơi và mỗi vấn đề như một bài toán đố cần được giải. Tâm thế của mỗi người phải ở điểm hiểu và chấp nhận thực tế, không trốn chạy, không mơ màng trước đã nếu muốn làm được điều gì.
1.1 Be a hyperrealist - Hãy là người siêu thực tế
Dream + Reality + Determination = A Successful Life
Giấc mơ + Thực tế + Sự quyết tâm = Cuộc đời thành công
Công thức nghe rất là quen, rất bình dị nhưng lại cực kỳ khó cho rất nhiều người phải không? Vì phần lớn chúng ta hoặc là treo ngược ở cành cây hoặc là xà quần trong thực tại chứ ít khi di chuyển được giữa các thái cực một cách tự do. Còn lỡ có di chuyển tự do được thì cũng còn cần sự quyết tâm nữa, vì chẳng ai đến được nơi cần đến một cách quá dễ dàng. Đời không cho không ai thứ gì. Cứ phải còng lưng ra làm cho phát đuối rồi mới có kết quả. Không tập trung và không đứng lên sau một vạn lần vấp ngã thì cuối cùng sẽ chẳng tới đâu.
1.2 Truth - or more precisely, an accurate understanding of reality - is the essential foundation for any good outcome - Sự thật - hay chính xác hơn là hiểu đúng thực tế, là nền tảng quan trọng nhất để có được kết quả
Sự nhấn mạnh tính chính xác hay sự thật rất quan trọng ở đây vì chúng ta chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy. Khi bản thân bị trói vào thành kiến, bạn không nhìn thấy sự thật. Khi bộ lọc của ta sai, ta không nhìn thấy sự thật. Mà khi đã input thông tin sai thì làm sao có giải pháp và kết quả đúng. Cho nên, vấn đề chưa bao giờ là giải pháp. Vấn đề là vấn đề. Không nhìn thấy sự thật một cách khách quan thì không bao giờ tạo ra kết quả.
1.3 Be radically open-minded and radically transparent - Phải giữ cho đầu óc cực kỳ mở và bản thân cực kỳ minh bạch
Ôi cái này là nguyên tắc khó nhất với nhiều người và nhất là với người Việt Nam đây. Chẳng biết đã gặp bao nhiêu người Việt Nam, vì không được hướng dẫn tư duy mở từ nhỏ nên hành trình già đi của họ chẳng lớn lên, mãi vẫn loanh quanh trong cái mớ hỗn độn và chiếc lồng tự giam. Khi đầu óc không mở, không tiếp nhận được cái mới, không tiếp nhận được sự thật thì làm sao làm được gì mới hơn và kỳ diệu hơn? You don’t know what you don’t know là như thế. Hơn nữa, cũng chính nguyên tắc này sẽ giúp bạn không những thành công trong sự nghiệp mà còn rất thành công trong quan hệ xã hội và gia đình.
1.4 Look to nature to learn how reality works - Quan sát tự nhiên để hiểu cách thực tế vận hành
Theo Ray, tất cả những gì con người nghĩ hay phát minh ra thực tế là học từ tự nhiên, có sẵn, nên chỉ cần quan sát và học hỏi từ tự nhiên đã là một phát minh lớn dựa trên sự thật. Đừng cho phép bản thân bị trói vào góc nhìn kiểu “theo ý mình thì nó phải thế này thế nọ thế kia”. Giữ cho đầu óc trong trẻo để nhìn thấy sự thật, học từ cách vận hành của vũ trụ thì sẽ biết cách đưa ra quyết định đúng, không đi ngược lại với “sự thật” vốn đã tồn tại.
1.5 Evolving is life’s greatest accomplishment and its greatest reward - Tiến hoá là thành công lớn nhất và cũng là phần thưởng lớn nhất của cuộc sống
Nghe vậy có ai bị nhột không? Vì cuộc chiến giữ lấy những gì quen thuộc và an toàn nhất luôn là cuộc chiến của nhiều người, cho đến khi bạn ngộ ra mình đang đánh sai cuộc chiến. Cuộc chiến lẽ ra phải là chống lại sự trì trệ, sợ hãi trốn trong vùng an toàn, lo sợ giành lấy mảnh ký ức thân quen, v.v... Con người sợ tiến hoá, sợ thay đổi, sợ cái mới, nhưng nhìn vào lịch sử con người thì nếu không tiến hoá, chúng ta liệu có ngày hôm nay hay không? Thực tế, sự thật tiến hoá, thì bạn là một phần của nó và cũng cần tiến hoá theo cho hợp thời đúng thế. Còn nếu bạn cứ ôm khư khư lấy mảnh sân quen thuộc mà từ chối không học bài học mới và đi về phía trước, bạn khó mà qua khỏi qui luật đào thải của tự nhiên.
1.6 Understand nature’s practical lessons - Học thuộc bài học thực tế của tự nhiên
Tự nhiên có qui luật của nó, có sinh tử, có đến đi chẳng hạn và vì vậy, tất cả đều có thể chỉ là qui luật hết sức tự nhiên, không có tốt xấu theo cách nghĩ, cách tư duy hay thành kiến của một con người. Vì bạn tự mình cho là cái gì xấu cái gì tốt nên bạn bị trói buộc vào các khái niệm, định nghĩa này, không còn tự do để nghĩ khác đi hoặc nghĩ đúng hơn từ bài học của tự nhiên. Hoa nở rồi hoa sẽ tàn. Ví dụ vậy thôi mà đâu phải ai cũng hiểu. Nếu hiểu, thì khi nở phải nở thật đã đời và tận hưởng nhất, nhưng cũng không quên rồi một lúc nào đó sẽ tàn, nên cũng phải chuẩn bị để tận hưởng được khúc về chiều chứ không phải bị kẹt vào ngày nắng mai mà không chấp nhận những chiều mưa. Vậy thôi!
1.7 Pain + Reflection = Progress - Nỗi đau + Phản tư = Tiến bộ
Thích chỗ này quá đi thôi, vì thật ra nếu không đi qua nỗi đau, con người còn lơ ngơ và tự đắc lắm. Đi qua nỗi đau rồi, nó sẽ thay đổi góc nhìn của con người về thực tế và sự thật và vì vậy sẽ dễ gần với sự thật hơn. Nhưng nỗi đau không chưa đủ. Có người vì kẹt vào nỗi đau mà thất chí, mà cả đời chìm mãi trong một vũng lầy. Phải có phản tư và thấm thía bài học từ nổi đau đó thì con người mới tiến hoá, mới tiến bộ và mới chuyển hoá để bắt đầu một hành trình mới đong đầy nắng gió hơn.
1.8 Weigh second- and third-order consequences - Lưu ý đến hệ quả thứ 2 và thứ 3 nữa
Thường thì, người ta đưa ra quyết định dựa vào hệ quả thứ nhất và thường đó có thể là hệ quả đau đớn nhất, tiêu cực nhất. Ví dụ tập thể dục thì hệ quả đầu tiên là mệt và mất thời gian. Nếu bạn đưa ra quyết định vì vậy tôi không tập thể dục thì quyết định đó có đúng không, trong khi hệ quả thứ 2 là sức khoẻ tốt hơn và hệ quả thứ 3 có thể là dáng vẻ đẹp hơn? Vì vậy, đừng chỉ bị trói vào hệ quả thứ 1 của bất kỳ việc gì mà ra quyết định. Coi cho kỹ những hệ quả có thể sẽ rất tích cực hoặc ngược lại rất tiêu cực thứ 2 thứ 3 của nó để hiểu cho đúng vấn đề. Có vậy, cách đưa ra quyết định sẽ chính xác và đúng đắn hơn.
1.9 Own your outcomes - Chịu trách nhiệm về kết quả
Đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nếu mình đưa ra lựa chọn và quyết định, rồi chịu trách nhiệm về nó, dù đúng hay sai gì, thì mình vẫn sẽ hạnh phúc. Cuộc sống là của bạn. Lựa chọn là của bạn. Làm gì mà nó kết nối và đúng với hoàn cảnh của mình thì thôi. Đừng quá lo sợ chuyện người ta sẽ tám gì bàn gì. Cuộc sống của mình mà, thì mình chịu trách nhiệm về nó chứ. Có ai khác chịu đâu mà thọc gậy vào chi?
1.10 Look at the machine from the highest level - Nhìn cỗ máy từ điểm cao nhất
Nghĩ vầy nè, bạn là một cỗ máy đang vận hành trong một cỗ máy lớn hơn (thế giới và vũ trụ). Mà đã là cỗ máy thì để cho nó vận hành hiệu quả nhất, mình có thể hiệu chỉnh đủ thứ chỗ. Vậy, nghĩa là chuyện mình thay đổi, hiệu chỉnh cho nó hợp thời, tạo kết quả xịn sò hơn là chuyện bình thường. Mà đã bình thường thì có việc gì đâu mà không chịu thay đổi? Tốt mà! Cứ canh vô chuyện mình muốn mục tiêu là gì, kết quả là gì mà chỉnh máy thôi. Máy mà, là để vận hành hiệu quả chứ đâu phải để buồn? Thành ra, mình cần làm sao cho cỗ máy này nó chạy tốt hơn thì mình làm thôi, lắp thêm phụ tùng cho nó, làm mới nó, tìm cách khác để sử dụng nó hiệu quả hơn, v.v... Sao miễn máy nó chạy xịn hơn và cho ra kết quả siêu hơn là OK mà. Giữ chi khư khư lấy cách vận hành trước nay nếu nó không hiệu quả?
Từ nguyên tắc thứ nhất thôi mà chúng ta đã học được và có nhiều góc nhìn mới để tối ưu cuộc sống của mình hơn. Nhìn góc nhìn của người rất thành công bạn có thấy mình khác chỗ này và đâu là nơi mình cần cải tiến? Phản tư đi nhé. Hẹn post sau sẽ chia sẻ về nguyên tắc thứ 2 của tác giả. Mà bạn cũng nên tìm sách đọc đi ạ.
Comments