top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

Thất bại lớn nhất trong đời của em là gì?

Đã cập nhật: 19 thg 12, 2022



Mình hỏi, và bạn hơi sững lại, chị hỏi gì khó vậy? Thoáng bối rối lục tìm trong quá khứ, rồi bạn cũng kể cho chúng tôi nghe về một lỗi lầm mà bạn cho là rất nghiêm trọng trong sự nghiệp nhiều năm trước.

Vậy thì đâu tới nỗi gọi là thất bại lớn nhất em?


Vậy với em là lớn rồi chị, lần đầu tiên trong đời phải đối mặt nhận lỗi với rất nhiều người.


Mình thì, kể cho em nghe chuyện thất bại lớn nhất đời mình, là do cái tính cao ngạo thời trẻ trâu mà ra. Hồi xưa, thành công sớm, thành công nhanh, tưởng mình ghê gớm hơn người, bất khả chiến bại nên mâm nào cũng có mặt, dựng lên một lúc rất nhiều công ty khác nhau. Thật ra, nếu tính về tài chính thì công ty nào cũng làm ra tiền ào ào, nhưng thất bại thì lại đến từ sự gãy đổ trong quan hệ với những người cùng thuyền, đồng sáng lập. Khi tập trung vào cơ hội và tiền bạc, người ta đôi khi quên mất thứ tạo nên sự bền vững là con người. Cơ hội có thể quơ quào, nhưng con người thì phải take time - có thời gian để tìm hiểu, nhận biết, xây dựng niềm tin. Bằng không, làm sao mình biết người ta có cùng tầm nhìn, cùng giấc mơ, cùng giá trị? Mọi thứ được xây dựng dựa trên cơ hội và lòng tham đều có nguy cơ gãy đổ, khi con người không OK. Năm đó, chẳng hiểu sao nào nó chiếu, cùng một lúc 3/7 công ty gặp sự cố về co-founders banh chành hết.

Hồi mới gom lại, mọi thứ còn phải tính toán hạn hẹp cho giấc mơ khổng lồ thì không sao. Tới lúc làm ra tiền, phình lên chút là con người ai cũng bắt đầu tính toán thiệt hơn, giành giật quyền lợi, ích kỷ nghĩ cho mình trước. Vậy là đâm ra đánh nhau thôi chớ có gì ghê gớm lắm đâu. Vậy đó, nhưng con người vẫn cứ là con người, ngàn năm trước ngàn năm sau vẫn thế, vẫn cứ đâm chém nhau vì quyền lợi cá nhân. Sự ích kỷ này nó nằm trong DNA, phải tu luyện ghê lắm mới detox được trong một kiếp người. Cho nên, chuyện người ta quánh nhau giành này giật kia âu cũng là chuyện bình thường. Không vậy thì mới lạ, chớ cứ vậy thì có gì đâu mà khó hiểu. Có điều, hồi xưa trẻ trâu khi còn tưởng mình ghê gớm, tôi không hiểu. Nghĩ, mình giỏi vầy chắc làm gì cũng thành công, mình nổi tiếng vầy chắc ai cũng phải dưới cơ, lắng nghe và phục tùng mình. Thiệt là tào lao hết sức! Một là chẳng ai trên đời này giỏi hơn ai hết. Mỗi người chúng ta đều có một sự giỏi nào đó rất khác nhau, và nếu có duyên lành gặp gỡ và kết hợp với nhau, có khi làm nên việc lớn. Còn mỗi đứa một cái ego vác vào một chỗ thì trước sau gì cũng mang nó ra làm gậy choảng nhau. Hơn nữa, khi sáp vào nhau chỉ bằng quyền lợi, lòng tham và cơ hội, đến bằng gì đi bằng đó, rồi cũng chỉ vì quyền lợi, lòng tham, cơ hội khác mà đập nhau rồi bỏ ra đi. Một khi giá trị đã không tìm thấy nhau thì chẳng có thứ gì trên đời này giữ ai ở bên nhau. Đến, đi, chỉ là chuyện thường ngày ở huyện.

Thất bại lớn nhất của đời mình là thế, hồi chưa học được bài học khiêm tốn, ngộ được tính không, biết mình chẳng là ai trong vũ trụ này.


Bạn có vẻ hơi ngạc nhiên, khi bà này kể về thất bại của mình một cách cởi mở và vui vẻ như vậy. Thói thường, thất bại thì người ta giấu vào, ai lại trưng ra thế kia thì mất hình ảnh hết. Ôi xời, hình ảnh cái khỉ gì. Đi qua hơn nửa cuộc đời, mình nghiệm ra một điều, càng là mình càng vui vẻ và hạnh phúc bền vững. Càng lột bớt vỏ củ hành, người ta càng đỡ mệt, đỡ diễn, đỡ phải giấu đầu lòi đuôi và chống đỡ mớ dối trá ngày càng đè nặng lên vai. Cho nên, em biết không, nếu chị có thể kể và cười trên cái sự tào lao của chính mình thì đời này chị chả đánh giá ai, chẳng qui chụp ai, chẳng quan tâm đến những thứ trang sức bề ngoài, chỉ quan tâm đến con người thật sự. Thành công có, thất bại có, tào lao có, đủ hết, nên rất mệt những kẻ cố gắng diễn vai này trò nọ. Nhìn phát chán! Mà thôi, ai diễn kệ người ta, mình không xem thì thôi chớ cũng không rảnh đâu mà đi phán xét hay khẩu nghiệp họ làm gì.

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại ở đó, với chút lắng đọng có phần bối rối của vũ trụ, về chút cởi mở có phần quá thẳng thắn và thô ráp. Ừ, mà sự thật có bao giờ cần bọc đường đâu?


Thất bại lớn nhất trong đời bạn là gì? Bạn có bao giờ nghĩ về nó, đối thoại với nó, nghiệm ra một chân lý sống mới từ nó? Có khi, đó chính là người thầy lớn nhất, gần nhất, chân thật nhất đối với mỗi người. Khi ta dám đối diện với thất bại của chính mình, để học và lớn lên từ đó, thì ít ra ta cũng sẽ không bao giờ cho phép mình lặp lại chuyện cũ, mắc lại lỗi lầm cũ, trả giá cho sự tào lao cũ. Còn nếu ta có thể chia sẻ về thất bại của mình, một cách bình an nhất, có nghĩa là ta đã lớn hơn nó, vượt qua nó, trưởng thành hơn từ nó, và giờ đây đã có đủ bản lĩnh để cười với nó. Còn khi, ta dám lấy thất bại của chính mình ra làm bài học cho người khác mổ xẻ, bình luận như một bài học, thì ta đã lên thêm một level, là level bình an với quá khứ đã qua. Mọi thứ giờ đây chỉ còn là trải nghiệm mà mỗi người cần bước qua, mỉm cười và lớn lên từ đó. Ở tâm thế này, ta lớn nhanh hơn, vì ta cởi mở hơn, vì ta hiểu thế nào là cúi đầu để có thể ngẩng lên, thế nào là lùi lại để tìm đường bước tới. Giọt nước, dù trong ly hay trong hồ thì vẫn là giọt nước. Đừng lấy hình hài của chiếc ly hay cái hồ ra để sừng cồ về chuyện đúng sai. Bản chất, cuối cùng vẫn cứ là bản chất của nước thôi, lúc ly, lúc hồ, lúc mương rạch lúc đại dương, lúc lặng im hay dữ dội cũng không làm thay đổi được bản chất thật trong bất kỳ hình hài nào khác.


Cho nên, có khi mình nên bỏ qua sự vất vả biến hình này dạng nọ, mà bình an vui vẻ với bản chất của mình. Còn chuyện biến hình, thời nào thế đó. Mà đã là nước thì, làm gì có thành công hay thất bại. Chỉ có cái hình hài nào, cái vỏ bọc nào cho nó hợp thời hợp cảnh mà thôi….

3.741 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page