top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

Thế nào là cuộc trò chuyện chất lượng?



Có bạn gởi tin nhắn vào blog hỏi tôi như thế. Câu trả lời là không có câu trả lời, vì chất lượng là thứ được định nghĩa khác nhau với mỗi cá nhân, còn cuộc trò chuyện chất lượng nữa thì lại càng cực kỳ mang tính cá nhân hoá, tuỳ thuộc vào expectation - mong muốn của mỗi người khi tương tác với từng đối tượng. 


Có khi chuyện bông đùa vui vẻ, nói tàm xàm cho xả stress với bạn bè, dô dô uống bia là một cuộc trò chuyện thú vị & chất lượng. Có khi người nói và người còn lại chỉ lắng nghe là một cuộc trò chuyện chất lượng. Cũng có khi, chủ đề rất đời, rất chạm, và việc chia sẻ góc nhìn cho nhau là một cuộc trò chuyện chất lượng. Cũng có khi, phản biện sôi nổi để tìm ra điểm giao trong tư duy và quan điểm là một cuộc trò chuyện chất lượng. Cho nên, thật ra thì, thứ gì nó làm cho bản thân mình thấy hay ho, thoả mãn, giá trị, đúng thứ mình đi tìm thì nó chất lượng thôi. Chất lượng với từng cá nhân là những định nghĩa khác nhau, không cách nào mang công thức của người này ép vào người kia. Càng không thể đi tìm định nghĩa có sẵn để vin vào. Nhưng vì bạn đã hỏi, nghĩa là thật tình không biết thứ mình đang tìm kiếm, nên tôi sẽ chia sẻ quan điểm đi tìm cuộc trò chuyện chất lượng qua 3 câu hỏi như sau. 


Tôi mong chờ gì ở cuộc trao đổi, nói chuyện này?

Mình đi tìm ai nói chuyện thì việc đầu tiên là mình phải biết tại sao mình lại cần nói chuyện, để đạt được mục tiêu gì, hay để tìm câu trả lời gì. Không ai đi tìm người khác nói chuyện khi chẳng biết nói gì và chẳng biết để làm chi. Có khi, mình chưa biết nói gì, nhưng biết rất rõ mình cần gặp ai đó vì năng lượng của họ tốt, vì họ lắng nghe không phán xét, vì họ là người luôn chân thành khi đưa ra nhận xét, vv. Vậy, thì thật ra mình cũng có mong chờ đó chứ đâu phải không, cho dù người đối diện có nói gì hay không. Khi biết rõ mình muốn gì rồi thì mới đi tìm người để trao đổi. Còn khi bản thân không biết mình muốn gì đừng đi làm phiền hay mất thời gian người khác. Sợ nhất là những người nói lòng vòng, không đầu đuôi, nói quá trời nhưng thật ra là chẳng nói gì, nói lan man không có chủ đích, kiểu gặp ai cũng xả van kể lể đủ thứ trên đời. Ai cũng có việc phải làm, phải lo, phải quan tâm. Cho nên, cần gì thì nói đúng việc đó thôi, đừng lan man người ta vừa mệt vừa không biết mình tìm họ để làm gì. 


Bạn bè, người thân thì khác, tâm sự chuyện nọ xọ chuyện kia cũng chẳng sao. Không thì, người ta nghe vừa mệt vừa phiền lắm. 


Đây có phải đúng người để giúp tôi đạt được điều mình mong chờ hay không?

Mình biết mình muốn tìm gì, nói gì, trao đổi gì rồi thì chuyện tiếp theo là phải tìm đúng người để nói. Chuyện nhỏ xíu đừng đi phiền người lớn. Đừng bao giờ lấy dao mổ bò đi giết gà. Cái gì cũng phải đúng người đúng việc. Vậy làm sao để biết việc gì hỏi ai? Có 3 câu hỏi bạn tự hỏi mình để tìm ra câu trả lời cho việc cần hỏi ai:

  • Việc này tôi tự tìm câu trả lời được không? Có khi chỉ cần google là ra, ví dụ chị ơi sách này em mua ở đâu? Trời ơi mua ở đâu google là ra tất tần tật những chỗ bán rồi còn hỏi nữa? Giờ mua sách thì mua trên sàn thương mại điện tử hay mua trên tiktok shop đó, khỏi đi đâu luôn chớ hỏi gì?

  • Việc này bạn bè, đồng nghiệp, người thân xung quanh tôi ai giúp tôi dễ dàng nhất? Ví dụ làm sao để tạo tài khoản học e-learning chẳng hạn, bạn không cần chuyên gia giỏi giang nào để chỉ bạn hết. Chỉ cần hỏi đứa bạn cùng lớp, đồng nghiệp công ty, đứa em trong nhà là ra. Vậy thì đừng vác câu hỏi đó đi hỏi một chuyên gia hay mentor ghê gớm vĩ đại nào đó làm gì. Hỏi người ta cho là ngớ ngẩn, có chuyện nhỏ vậy mà cũng đi hỏi và lại hỏi không đúng người, chứng tỏ mình tâm hơ tâm hất, không hề bỏ chút tâm vào chuyện của bản thân. Chuyện của bạn chớ có phải chuyện của người ta đâu mà cứ lướt lướt như tóp tóp, đụng đâu hỏi đó, không chút nghi thức xã hội nào. Cho nên, muốn hỏi cũng phải nhìn người. Đừng có vạ đâu hỏi đó, ha. 

  • Việc này có phải hết cách rồi, giờ cần phải hỏi mentor hay chuyên gia không? Còn cách nào khác để tìm ra câu trả lời không? Nếu thật sự đã tìm hết cách mà vẫn chưa tìm ra thì lúc đó mới phiền tới quyền trợ giúp ha. Người thành công, mentor, chuyên gia người ta rất quý thời gian. Nếu dành thời gian cho bạn, thì việc nó phải đáng, có giá trị thật sự người ta mới làm, không thì ai rảnh đi trả lời ba câu hỏi loạn xạ, không mục đích làm gì. Thời gian đó để người ta lo cho bản thân không tốt hay sao? Cho nên, mình nên học cách quý trọng quan hệ bằng cách đừng xài quan hệ bừa bãi và lung tung nha các bạn. 


Tới đây thì biết cần phải tìm ai hỏi ai rồi ha. Cứ phải từ từ bình tĩnh theo lớp theo lang chớ không chụp giật được đâu nha.


Mình nên trao đổi bao lâu và qua hình thức nào là tốt nhất?

Ai cũng muốn gặp mặt, cà phê nói chuyện giông dài. Có điều, không phải ai cũng có đủ thời gian để lê từ cuộc này sang cuộc khác. Những gì cần trao đổi mang tính thông tin, giải đáp thắc mắc, hỏi ý, hội ý nhanh thì tốt nhất là ngắn gọn qua các kênh digital là đủ. Giờ quá trời loại kênh rồi, các kiểu nền tảng tin nhắn, gọi video, họp online, vv. Một cuộc trao đổi chất lượng có khi chỉ cần 15 phút là xong, chẳng cần chạy lòng vòng ngoài đường cho tốn xăng, hại môi trường và thiếu hiệu quả. 


Tuy nhiên, chuyện gì cần trình bày, bày tỏ cảm xúc, tâm sự chia sẻ nhiều và dài thì chắc có khi gặp mặt sẽ hiệu quả hơn. Nhưng gặp cũng phải để ý gặp ở đâu, hoàn cảnh môi trường thế nào để dễ chia sẻ nữa chứ không phải đụng đâu chia sẻ đó. Môi trường mà không đúng, không tốt, không chuẩn bị đàng hoàng thì cuộc nói chuyện sẽ bị nhiễu, bị ảnh hưởng, không chất lượng nổi. 


Rồi, thì đó là chuyện của mình. Còn bây giờ là chuyện của người ta. Mình phải tự hỏi, ủa mắc mớ gì người ta phải nói chuyện với mình, giải đáp thắc mắc cho mình, hỗ trợ giúp đỡ mình? Nhớ ha, trên đời này không ai tự nhiên rảnh phải đi lo cho bạn hết. Ai cũng có việc của người ta để lo, không ai rảnh đâu. Nhưng nếu người ta sẵn lòng chia sẻ thời gian và tri thức của người ta với mình thì, mình đang hưởng phước đó. Mà đã hưởng phước, thì lo mà biết ơn và tích phước. Không có thứ tài khoản nào trên đời này mà rút hoài không phải deposit vào đâu. Nhờ người thì phải biết trước biết sau, biết mang ơn và trả ơn, cho dù người ta không trông đợi. Cái tâm của mình ở đâu thì cái may cái mắn của mình ở đó. Ai chỉ biết ích kỷ bòn rút cho bản thân mà chẳng bao giờ biết give back thì trước sau gì cũng cạn kiệt về nguồn lực quan hệ. Mà không còn quan hệ thì chả làm được gì nữa trong đời. Cho nên, được một cuộc trò chuyện chất lượng thì nhớ là mình đã mang ơn, lo mà tìm cách trả, ha. 


Hỏi thì trả lời vậy thôi. Cũng không biết có giúp ích được cho ai. Có điều, có câu trả lời rồi thì nhớ mà phản tư về cách mình đã trò chuyện bao năm qua xem có chất lượng không, có bỏ tâm vào đó cho nó chất lượng không, có chuẩn bị cho nó trở nên chất lượng không. Vậy đi ha. 

2.823 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page