Hồi còn làm giám đốc phát triển thị trường quốc tế, khi đi đàm phán với đối tác tại bất kỳ quốc gia nào, tôi đều đi cùng với một người đồng nghiệp, thường là một trong 2 bạn sếp người Mỹ hoặc người Úc. Cả hai đều lớn tuổi hơn, nhìn “sếp” hơn, và luôn đóng vai “official - chính thống”. Chính thống nghĩa là họ trình bày trong phòng họp, chia sẻ những điều hay ho như tầm nhìn, sứ mệnh, văn hoá, kể về lịch sử đáng ngưỡng mộ của thương hiệu hay chiến lược phát triển đáng nể của tập đoàn. Còn tôi, thì đóng vai quan sát, xây dựng quan hệ “hành lang - nghĩa là lắng nghe và trao đổi những câu chuyện không chính thống, không được nói, không được bày ra rõ ràng trong phòng họp. Đó, là những câu chuyện, cảm xúc, câu hỏi, sự ngập ngừng thường là không nói được - the unsaid.
Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, đã là con người, thì những gì họ thật sự suy nghĩ, nói ra, chia sẻ một cách chính thống bằng lời nói, ngôn ngữ, chắc chỉ đâu đó khoảng 20% - 30%. Còn lại, họ thể hiện qua giao tiếp phi ngôn ngữ, nghĩa là bằng cử chỉ, vẻ mặt, hoặc cách thể hiện như giọng nói cao thấp, to nhỏ, ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ không gian, vv. Cho nên, nếu chỉ vin vào những gì người khác nói ra, bạn sẽ chỉ chạm được nhiều nhất vào 30% của sự thật, hay 100% của sự thật có thể diễn đạt bằng lời nói. Còn lại, nếu không học quan sát, đọc, đoán, và quan trọng là tìm cách xác minh một cách không chính thống, có lẽ sẽ khó mà hiểu được hết 70% còn lại của một câu chuyện.
Trong giao tiếp công sở cũng vậy thôi. Nói, cuối cùng cũng chỉ là max 30% của những gì mà một người thể hiện. Nói vậy, có khi không phải vậy. Chọn nói một phần, có khi là phần hay ho, có khi là phần độc ác, tiêu cực tuỳ vào ý đồ và mục đích. Nói cho giống bầy đàn, dù bản thân nghĩ ngược lại, để khỏi bị loại trừ ra khỏi đám đông. Nói mà không nói, nghĩa là nói cho có, cho qua, vì bị bắt buộc nên phải nói, vv. Chung qui, con người là một thực thể phức tạp, nhiều khi chính họ còn không hiểu họ. Giao tiếp của con người lại càng phức tạp hơn. Có miệng, có ngôn ngữ, nhưng không phải để giao tiếp qua lời nói mà chủ yếu là qua giao tiếp phi ngôn ngữ. Cho nên, ai không học được cách quan sát, đọc kịch bản qua giao tiếp phi ngôn ngữ thì mãi mãi sẽ chỉ hiểu được đâu đó 20% đến 30% của nội dung. Cái khó là, mình đi học trong trường, người ta dạy toàn chữ và số. Có ai dạy đọc 70% của những điều chưa được nói hay không được nói đâu. Do đó, rất nhiều người khi ra giao tiếp xã hội, đi làm, nếu không tự học được môn này qua trải nghiệm hay rèn luyện EI - emotional intelligence - trí thông minh cảm xúc, thì hầu như là không biết cách lèo lái trong không gian của những điều chưa được nói - the unsaid.
Do đó, nếu muốn hiểu, muốn nhìn rõ toàn cảnh và giao tiếp dễ dàng hơn, ai cũng phải học thứ ngôn ngữ vô ngôn này vì nó chiếm tỷ trọng quá lớn và vì thiếu nó thì thật ra mình có nghe cũng chẳng hiểu ý người khác là gì. Con người kỳ lắm, nói mà không nói, nói cũng như không không biết để làm gì, toàn làm rối đội hình. Nhưng mà bản chất giao tiếp của con người là thế. Mình đâu có cách nào thay đổi được. Chi bằng, mình học cách đọc hiểu nó cho cuộc sống dễ dàng hơn. Đây là một số thứ mà một người cần phải học nếu thật sự muốn hiểu hết sự thật đây:
EI - emotional intelligence - trí thông minh cảm xúc: chọn học và rèn luyện hay không là tuỳ bạn. Nhưng nhớ là nếu không có khả năng này thì tất cả mọi giao tiếp trong đời bạn sẽ hiểu đâu đó max 30%. Muốn đi làm và phát triển sự nghiệp thành công, môn này giống như môn cơ bản cần phải học, nhưng lạ thay nó chẳng được đưa vào giáo trình nào.
Tâm lý học cơ bản và ứng dụng: muốn giải quyết vấn đề tận gốc thì phải hiểu nguyên nhân gốc rễ. Mà con người còn không hiểu chính mình thì làm sao hiểu được lý do tại sao người khác làm thứ họ đang làm? Muốn thấu cảm, hiểu con người, hiểu lý do và động lực đẩy họ vào cách tư duy, suy nghĩ, hành động, vv, tốt nhất là có được những hiểu biết nền tảng về tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học ứng dụng vào thực tế. Again, người ta cứ nghĩ tâm lý học là dành cho chuyên gia tâm lý, chứ chẳng ai dạy cho dân amateur. Sai quá sai. Môn này nó quá sức quan trọng để giúp con người hiểu ra gốc rễ của hành vi. Mà hiểu thì mới navigate - lèo lái được trong cái mớ hỗn độn của những điều không rõ ràng trong thế giới phức tạp của nói mà không nói, không nói mới là nói này của loài người.
Văn hoá giao tiếp bản địa của từng vùng miền, dân tộc, quốc gia: hầu hết những gì không được nói sẽ thể hiện qua giao tiếp vô ngôn, mà loại giao tiếp này nó gắn liền với cách nhận thức và sự thể hiện đặc trưng trong văn hoá của mỗi cá nhân. Do đó, văn hoá bản địa thật ra là môn học quá quan trọng giúp nâng cao khả năng giao tiếp xã hội. Vậy mà nó lại không hề xuất hiện trong bất kỳ giáo trình chính thống nào.
Chia sẻ vậy, để thấy có rất nhiều thứ mình lẽ ra phải học nhưng chưa được học, để mọi người tự suy nghĩ và biết mình nên đi tìm sách hay tìm chỗ học những thứ quan trọng nhất mà nhà trường không có dạy này, nếu thật sự bạn muốn nhìn rõ hơn thế giới và con người xung quanh bạn.
Comments