Lâu lắm mới gặp lại, hỏi em dạo này đã ổn chưa, em bảo dạ em ổn chị. Rồi em kể cả năm qua bị crisis ra sao, khi mất phương hướng, mất định vị, mất hết lý do để thức dậy & ca hát mỗi ngày. Như bao người trẻ khác trong đời, em sợ bị tổn thương, nên xây cái vỏ bọc mấy lớp quanh mình, sợ rủi ro, phiền hà, sợ liên luỵ, và sợ phơi trần những góc khuất mà bản thân đang cố tình che dấu. Riết rồi, đường đi lối về chỉ còn em cô đơn trống vắng. Môi vẫn cười, nhưng mắt nhuốm hoàng hôn.
Tôi hỏi em, điều gì đã làm em thay đổi. Em cười, chị ơi em đã lớn lên. Khi ta còn đứng đó đổ lỗi, play victim - ca cẩm chuyện mình là nạn nhân, và mọi thứ không ổn trong đời đều là do ông kia kẻ này người nọ gây ra, ta chưa lớn. Người lớn, là người biết nhận lãnh trách nhiệm về mình, rằng đời không ổn là do mình, rằng mọi khó khăn không thoát ra nổi là tại mình, rằng một đám vấn đề chúng bu lấy, không buông tha mình là vì mình. Khi còn nghĩ mình là nạn nhân, người ta suốt ngày chỉ quay cuồng trong khổ đau, tiêu cực, chán chường, tuyệt vọng. Ở đó, thì khác chi lún từ từ bất lực xuống vũng lầy, còn làm nên chuyện gì nữa chứ.
Khi ta là nạn nhân, vấn đề là thế lực bên ngoài, nên ta không giải quyết được mà chỉ biết than thân trách phận. Why me - Tại sao lại đối xử bất công với tôi như thế? Why me? Tại sao phải là tôi? Đời, như đoạn điệp khúc sáo mòn ca tới ca lui phát nhão. Số phận, là thứ cam chịu xám xịt đổ ập vào tim. Rồi bạn nghĩ đi, đã bao lần bạn ta thán chuyện sếp em thế này thế nọ, công ty em thế này thế nọ, đối tác em thế này thế nọ, người xung quanh em thế này thế nọ, và đời nó cứ thế này thế nọ?
Khi ta nhận lãnh trách nhiệm về mình, vấn đề là bản thân và giải pháp là sort out - dọn dẹp mớ hỗn độn trong chính con người, tư duy, và tâm thế của ta. Lấy cây chổi chà, quét ngang xua dọc, tâm sáng lên và đường đi sẽ hiện ra. Chỉ khác nhau duy nhất chỗ đó thôi, người đổ lỗi và kẻ cúi đầu nhận lãnh.
Thế, em từ chức victim, và em trở nên rất ổn. Ai play victim thì xà quần trong mớ loay hoay không cách chi thoát ra được chị ơi.
Comments